Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net







Phong Thái An Vi

(tiếp theo)


Kim Định (1915-1997)

IV. ĐƯỜNG LÊN CÁ TÍNH

I. HỒN KHÓM

1. Cá tính là điểm cao chót vót mà mỗi con người phải cố gắng đạt tới. Đạt được mới là người có nhân cách, có giá trị nhân chủ, cũng như mới đạt cứu cánh cuộc đời. Con đường đạt tới đó được gọi bằng nhiều tên khác nhau như quá trình nhân-cách-hóa hoặc cá-thể-hóa (individualization) của Karl Jung. Nói nhân cách cũng có nghĩa là đi đến cùng cực của con người y như nói cách vật là đến chỗ cùng cực của sự vật.

Vậy tại sao người ta thường lên án cá nhân chủ nghĩa ? Thưa cần phân biệt: cái gọi là cá nhân chủ nghĩa mới thực sự đáng lên án, chứ không phải là cá nhân. Trái lại cá nhân là sự tiến bộ, tiến bộ nằm ngay trong phạm vi cá-thể-hóa tức đi vào chi tiết mới là tiến bộ. Khi ta xem vào vật nào cách thoáng qua, ta gọi là nhìn hổ-lốn (globale). Khi ta xem xét từng phần cách tỉ mỉ đi vào chi tiết thì gọi là phân tích. Sau khi phân tích, lắp các phần đó lại như trước thì là cái nhìn tổng quan. Làm người cũng vậy, nếu cứ xem chung chung cách hổ lốn, không thể tiến bộ, cần phải chi tiết hóa hay phân tích tỉ mỉ từng phần, rồi mới tổng hợp lại thành cái nhìn phổ quát tổng quan mới gọi là người có nhân cách.

2. Triết An-Vi gọi tiến trình đó là Luật chí trung hòa nó ở tại đi vào đến chỗ cực nhỏ thì sẽ có sức cai quát bao la. Nói khác đường thiêng liêng là đi từ to đến nhỏ: không phải từ bỏ cái to cái nhiều, nhưng muốn bao quát được nhiều lại phải đi đến chỗ nhỏ bé, bé cùng cực đến độ không, thì mới bao quát được cùng cực. Đi đến tận tâm linh thì sẽ bao trùm cả vũ trụ, sẽ nói được "Ngô tâm tiện thị vũ trụ, vũ trụ tức thị ngô tâm" Diễn ra cụ thể là sẽ coi mọi người như mình: lo cái lo của mọi người, vui cái vui của mọi người. Ngược lại khi ở lì lại đợt hổ lốn thì sẽ là cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ hại nhân, không cần để ý đến tha nhân, không lo cho nhân loại phổ quát. Đó là sự ngưng đọng, một căn bệnh của cá thể hóa. Cái đó mới đáng lên án, chứ còn cá thể hóa đúng điệu lại chính là con đường phải tiến, nó thuộc "địa chi đức" là tiến vào tỉ mỉ y như "thiên chi đức" là bao quát tận cùng.

3. Trên đây là một phân biệt tối quan trọng mà xưa rầy chưa được nhìn ra hoặc chưa được nhấn mạnh đủ. Bài này nhằm đóng góp vào việc đó bằng chia đường tiến về nhân tính thành ba chặng là:

* Khóm thể

* Cá thể

* Cá tính.

Khóm thể là thời thái cổ lúc con người chìm ngập trong đoàn lũ tính, chưa đủ óc tinh tế để nhận ra những dị biệt bé nhỏ, chưa nhận thức mình như một thực thể biệt lập, tự túc, tự do nên chưa thể có hồn thần độc lập mà mới có hồn khóm ở tại cậy dựa trọn vẹn vào nhau, vào đoàn lũ, chưa đủ khả năng suy tính dự trù cho một công việc toàn diện. Tôi gọi là khóm thể tức là một lối tổ hợp nuốt trọn vẹn cá thể. Cá thể chưa nhận thức mình, tất cả lẽ sống của nó là được nuốt trôi vào trong đoàn lũ, được đồng nhất với cộng đồng.

4. Việc của cá thể chỉ còn la tuân theo tùng phục trọn vẹn, còn động tác thì thu giồn vào những việc chân tay lao tác nặng tính chất gân thịt mà nhẹ phần cân não, chưa đủ khả năng tự mang lấy trách nhiệm, tự suy tính. Tất cả suy tư, dự trù, phác họa kế hoạch và đường lối dành cho một thiểu số mà trung tâm là tù trưởng, là vua chuyên chế, là nhà cai trị độc chuyên nắm giữ hết, còn dân sống như một đoàn vật: ăn làm thì có, suy tính xếp đặt thì không. Ta thấy ngay rằng bao lâu còn ở đợt này con người chưa nảy nở hết cỡ người nên cũng không đạt cứu cánh để thành nhân. Bậc đó gọi là hồn khóm. Hồn khóm y cứ trọn vẹn trên lũ đông, lấy lượng làm chuẩn: không thể tiến mạnh vì sự tiến hóa nằm trong chữ tác, tiến nhiều hay ít là tùy theo giá trị của lao tác.

5. Chỉ có những tác động cùng cực mới đẩy cuộc tiến được đến cùng cực. Mỗi bước tiến bất kỳ trong phương diện nào từ máy móc cơ khí qua khoa học nghệ thuật cho tới triết lý đều do một cá nhân nào đó sáng tạo, đấy là những cá nhân đã phát triển cơ năng mình đến chỗ thuận lợi cho việc khám phá đó. Điều này khó có thể xảy ra ở các nước bị nạn độc tài chuyên chế ghì giữ toàn dân lại trong đợt hồn khóm nên bóp nghẹt sự kiếm tìm. Các chế độ độc tài chuyên chế giam giữ con người lại trong sự tầm thường có khuynh hướng san phẳng, chỉ thể tiến phần nào trên chất lượng chứ không trong phẩm tính; bắt chước thì có, sáng tạo thì không. Chỉ có sản phẩm, không có tác phẩm. Tác phẩm đòi sự triển nở cùng cực trên những nẻo đường khác nhau. Mỗi tác phẩm là một tạo dựng mới, nó là kết tinh của sự thấu nhập giữa tinh thể (hồn) và cá thể.

Cá thể bị chi phối do thời không: vì không thể có hai thời điểm và không điểm như nhau, nên không thể có sự lập lại y nguyên. Lập lại thì không còn thời điểm và không điểm lúc tác phẩm hiện thực, nên không thể có sự thấu nhập của tinh thể với cá thể vì vậy không còn là tác phẩm mà chỉ là sản phẩm của sự sản xuất nhiều cái như nhau theo một mẫu đã có trước rồi.

6. Đó là lý do tại sao sáng tạo đòi phải có tự do tìm tòi, đòi phải có sáng kiến tức là vượt ra khỏi cái đã có rồi để đi tìm cái mới. Ta thấy các nước độc tài chuyên môn đi ăn trộm kỹ thuật của nước tự do, vì chế độ chuyên chế không để dành chỗ đứng cho cá nhân, không thể có sự khám phá nên phải đi ăn trộm; nhưng ăn trộm cũng chỉ có được kỹ thuật là cái còn nằm trong vòng trứ hình có thể cộng lại, có thể trao truyền, chứ lên đến bậc mỹ thuật là cái thuộc tinh thần thì hết có thể ăn trộm, vì mỹ thuật thuộc cá nhân, mỗi tác phẩm là một kiệt phẩm duy nhất không những của một cá thể mà còn là của một cá thể nhất định nọ trong một hoàn cảnh có một không hai: nếu quả là tác phẩm trung thực thì chính người ấy cũng không lắp lại được nữa. Đấy là lý do tại sao nghệ thuật trong các nước chuyên chế bày ra một cảnh tầm thường vì nghệ thuật không thể ăn trộm như bên khoa học kỹ thuật. Sự ngưng đọng trong kỹ thuật là dấu hiệu chứng tỏ sự nằm lì lại trong đợt khóm thể. Như thế là thiếu dịp hoặc chưa triển nở đến cỡ có thể phát triển hết các khả năng của con người: cần vượt hồn khóm để tiến lên đợt hai là cá thể với hồn thần.

CÁ THỂ

7. Cá thể lấy sự phân biệt, phân tích làm quan trọng, bắt buộc phải vượt giai đoạn tổng quan hổ lốn để phân ra từng phần, càng nhỏ càng tốt. Nhỏ đến cùng cực thì cũng là tiến đến cùng cực y như khoa học vi thể chứng tỏ điều đó cách huy hoàng giúp cho đi đến bờ cõi hữu hình và vô hình gặp nhau. Hữu hình là neutron vô hình là electron...

Về phần xã hội cũng thế, cần phải tháo gỡ những khối lớn ra để cho cá thể được quyền thở hút không khí độc lập tự do đặng phát triển các khả thể tiềm ẩn nơi mình. Trong chính trị ta gọi đó là dân-chủ-hóa: ở tại tục hóa mọi quyền bính không còn cho là nguyên ủy ở trời, ở thiên mệnh, mà ở ngay nơi người dân thường.

8. Các dân tộc cầm đuốc dẫn đầu trong giai đoạn cá thể này là Tây Âu, mạnh nhất tự thế kỷ XV trở đi: thời khởi sự phá vỡ cái vỏ chuyên chế để thiết lập nền dân chủ, tự đấy trên phương diện khoa học đã khám phá biết bao truyện, phát minh ra vô số máy móc giúp nâng cao mực sống. Những thành công rực rỡ đó nói lên chiều hướng tiến hóa tốt đẹp hợp theo thiên nhiên, ở tại sự phân tích tỉ mỉ chi li những dị biệt. Đó là sự thiết yếu của một trong những bước tiến của đạo làm người hợp với đường lối thiên nhiên.

9. Có xem xét kỹ mới thấy Tạo Hóa trọng cá thể biết bao: ngay một hột gạo ta ăn, lên sổ sơ sơ đã thấy có trên ba trăm thứ; cá biển thì phải kể tự triệu giống trở lên, chim trời cũng có cả hàng trăm ngàn thứ không hề đồng đều. Có những cái mới coi tưởng như đồng đều như cá thể trong cùng một loại, thí dụ cả triệu con chim sẻ, nhưng nếu xét cho cùng cực sẽ thấy mỗi con có cái khác với con kia: mỗi con là một cá thể không trộn lẫn được. Ấy là con vật mà còn thế phương chi con người là giống có mầm linh thiêng đã phát triển hơn mà linh thiêng là đi vào con đường cá thể cho đến chỗ cùng kỳ cực.

10. Vì thế kết luận được rằng cá thể hóa nằm ngay trong bản tính con người: chương trình làm nên người (vi nhân) phải giồn vào việc làm triển nở cùng cực cái khả năng riêng biệt mà trời đã phú bẩm cho mình, cần được hiện thực cá thể đó trong sự hòa hợp với hoàn cảnh. Hoàn cảnh là cái dấu của cá thể. Hoàn cảnh thành bởi không gian và thời gian, vì không bao giờ có một thời điểm với không điểm lắp lại y như nhau nên hoàn cảnh chính là cái khung dị biệt cùng cực để giúp khám phá cá thể, đến nỗi không thể có hai hoàn cảnh y hệt nhau, chỉ có hoàn cảnh dị biệt đến độ không thể thay thế. Đấy là lý do sâu xa giải nghĩa tại sao Đạo làm người tuy là một mà lại không thể có một nền văn hóa đồng đều cho hết mọi dân mọi đời... Muốn làm người đến chỗ chí nhân con người phải tiến tới chỗ dị biệt cách trọn vẹn, nghĩa là phải huy động cả ý, tình, chí vào một công việc như đã chỉ sẵn cho mình, một mình mình đảm trách lấy, không phải như trong hồn khóm chỉ việc a dua tùng phục, không cần động đến các cơ năng khác như suy tư, dự tính, đảm nhận trách nhiệm là những cái làm nên tư cách con người nhân chủ.

11. Điều quan trọng nhất ở giai đoạn này là phân tích. Có phân tích mới thấy được những dị biệt, có thấy được dị biệt mới hiện thực được: khoa học chỉ thành công trong sự hiện thực những dị biệt cụ thể. Chính sự phân tích nó giúp con người đi ra khỏi cảnh đồng nhất ở giai đoạn khóm thể. Đó là giai đoạn vắng bóng phân tích: giai đoạn nhìn sự vật trong thể hổ lốn đồng đều (global). Phân tích là việc làm cần thiết để tiến vào khách quan khoa học mà Tây Âu đã hiện thực được cách vẻ vang để tách mình ra khỏi đợt đầu khóm thể, đợt của văn hóa sơ khai, của loài người lúc còn ấu trĩ. Nếu trì diên lại đợt hổ lốn lấy cớ là "vạn vật nhất thể" (vạn vật chỉ là một) : tất sẽ rơi vào cảnh "trầm không u tịch" (unconscious aconsnisme) u u minh minh. Đó là cái nhìn hổ lốn sơ sài lúc đầu (global) khác với cái nhìn phổ biến tổng hợp chỉ đến sau khi đã phân tích. Vì vậy cần nhổ mình ra khỏi cái nhìn hổ lốn sơ khai để đi vào chi tiết.

III. CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA SỰ TIẾN GIẢ TẠO.

12. Tuy nhiên đi vào chi tiết là bước cần nhưng chưa là bước chót, còn phải đi nữa. Ở lì lại đợt phân tích cũng là ngưng đọng. Những lý lẽ bênh vực sự ở lì lại này được công thức hóa thành ý hệ mà người ta thường đề cao là ý thức hệ, là triết lý, nhưng thực chất nó thiếu cái hồn triết lý là phổ biến tính, có khả năng thâu thập mọi dị biệt vào nền thống nhất bao la. Trái lại ý hệ là ý niệm, mà ý niệm là những cái tư riêng, có tính cách độc hữu, khước từ những dị biệt khác: nên bám theo ý hệ là ở lì lại trong đợt hồn khóm, hay bái vật là trình độ rất thuận lợi cho chế độ chuyên chế bao giờ cũng có tính chất san bằng, đồng điệu hóa. Do vậy chuyên chế là chủ tịch của giai đoạn khóm thể bái vật dễ dàng bắt tay với một ý hệ nào đó, cả hai đều đặt nền móng trên nguyên lý đồng nhất, đánh mất chữ Tương là chữ nối các dị biệt lại với nhau, chỉ biết A = A, A là A trọn hết không còn một liên hệ nào với C, D, không còn một biến chuyển nào tự A sang A'.

13. Điều được hiện thực trọn vẹn ở thế giới ý niệm thì nhà độc tài hiện thực vào xã hội con người, mọi người phải đồng đều y hệt: tự tâm, trí, óc tưởng tượng cho đến cả tiếng cười tiếng khóc, đến cả làm tình cũng phải căn giờ giấc theo lệnh trên, cắt tóc, áo quần, đi đứng cái chi cũng phải đồng đều; y hệt như đống gạch, đống gỗ cùng một kích thước cân đo. Tất cả phải làm nên một đoàn, một lũ, một thứ người đánh đống (mass man), người dưới phố mà ta chỉ xem thấy có bề ngoài không cần biết đến những cảm nghĩ tâm tình bên trong. Đó là sự ghì bó con người lại đợt thú vật không cho thoát lên đợt trên là nhân cách, mà nhân cách cũng là tư riêng, tư cách. Vì thế những công thể cỡ nhỏ giúp duy trì cá tính như gia đình, đoàn hội tư riêng đều bị chối bỏ hay ít ra coi thường. Khi cá-thể-hóa cùng cực không nghĩ đến thống nhất thì con người không còn những ràng buộc, những thể chế nhỏ như gia đình, làng xã, những hội đoàn, mà chỉ là những cá nhân trơ trọi cô độc dễ trở nên mồi cho việc đoàn lũ hóa được chính quyền trung ương điều động. Đoàn lũ hóa là một lối thống nhất giả tạo. Thống nhất chân thực vẫn để cá thể giữ tư cách riêng, thống nhất giả tạo thì xóa bỏ tư cách; đó không là thống nhất mà là đồng nhất.

14. Đây là lý do sâu xa tại sao chuyên chế coi thường gia đình, quốc gia, tôn giáo, chỉ chú ý đến nhân loại, hay quốc tế. Nhưng đó là những danh xưng hổ lốn vắng bóng mọi dị biệt nên rất trừu tượng, trống rỗng, rất thuận lợi để gói ghém ý đồ chuyên chế nhằm đồng nhất hóa con người. Vì thế một đàng thì chủ nghĩa duy vật đả phá cùng cực cá nhân chủ nghĩa nhưng đằng khác lại đặt nền trên vật chất (trên kinh tế) tức cũng cùng một nền móng như cá nhân chủ nghĩa, nên thực sự chỉ là thêm nanh vuốt cho óc chuyên chế ghì sâu con người lại trong đợt khóm thể: cũng vâng theo cùng một nguyên lý đồng nhất, tức nguyên lý áp dụng cho cả sự vật lẫn cho người. Nó dễ dàng sản ra từng loạt người đồng đều không phẩm tính, không nhân cách, nó chống hẳn lại những con người trổi vượt, lấy tư cách làm tôn chỉ, thường biểu lộ bằng sáng tạo, sáng kiến, vì sáng kiến bao giờ cũng do cá nhân. Làm nên con người đồng loạt là đường lối vật hóa con người, càng đồng loạt càng giống sự vật. Câu nói điển hình nhất do Mặc Tử là Thượng Đồng: trên bảo sao dưới nghe vậy, tin vậy. Trên bảo phải, mọi người dưới đều cho là phải, bảo trái mọi người phải cho là trái. Đó là cắt hoạn con người mất khả năng đặc trưng con người là óc tự phân biệt phải trái. Người ta tạm giữ khẩu hiệu đó cho nhà binh, vì đấy là phạm vi võ lực lấy cưỡng hành làm tôn chỉ, cần tạm theo như trong thời hồng hoang lúc chưa vươn lên đến đợt nhân linh ư vạn vật là cá tính, là tinh thần, không cần đến võ lực nữa.

IV. CÁ TÍNH.

15. Muốn lên đợt này con đường phải đi là hiện thực cá tính mà tôn chỉ mới thoạt xem cũng giống như cá thể nhưng xét kỹ sẽ thấy nó rất khác. Trước hết nó tiếp nối giai đoạn cá thể, nên cũng đề cao ba chữ thận kỳ độc. Câu này có hai nghĩa:

* Một là cần chú ý thận trọng ngay lúc không ai thấy mình. Đây chỉ là nghĩa vòng ngoài đã bị Hán Nho kéo hẳn về phía luân lý khắc nghị.

16. * Nghĩa thứ hai mới căn để đó là chú ý đến cái độc nhất vô nhị nơi mình, ban riêng cho mình, mình có bổn phận phát triển đến cùng cực , coi đó như sứ mệnh. Để hiện thực sứ mệnh đó thì cần thận độc: cần chú ý kéo dài để đào sâu vào tâm hồn, nghe ngóng những ao ước thầm kín, những khuynh hướng bền bỉ nơi mình hầu tìm ra được cái hướng đi riêng biệt mà trời đã ủy thác cho một mình mình mà thôi, không ai có thể thay thế được: nó là cái chi tư nội, mới mẻ, tự nhiên theo nghĩa gốc là không do ước lệ hay cái chi sai khiến điều động, mà đột khởi, độc sáng ngược hẳn với cái gì của đoàn lũ do ngoại khởi ấn vào: nó bó buộc, nó kìm hãm tự ngoài. Đấy là lý do tại sao các vĩ nhân, những nhà sáng tạo bao giờ cũng coi thường những ước lệ, những công thức, thường xa lánh lũ đông và do thế nhiều khi những thiên tài bị coi như là lân bang với những kẻ khùng điên lập dị. Những người như Lưu Linh trong Nhóm Trúc Lâm Thất Hiền: ngày Tết treo quần xà loỏng lên thay cờ: là muốn nói lên cái lòng khinh bỉ những ước định xã hội, những công lệ, luân lý, giới truyền v.v... là cốt nhấn mạnh đến khía cạnh tư riêng, đột khởi, tự nhiên ... đúng theo chủ trương của Trang Lão: muốn thận kỳ độc trọn vẹn nên đề cao tị thế (tránh đời). Tị thế là một hình thái cùng cực của thận kỳ độc nó sai vì quên luật chí trung hòa là có vào cùng cực thì mới ra cùng cực được, ra cùng cực là dấu hiệu đã vào cùng cực.

17. Cho nên thận kỳ độc kiểu tị thế la thái quá, mà thái quá đầu này lại gặp thái quá đầu kia: nên tránh hùm phải hạm. Muốn tránh chuyên chế cuối cùng bắt tay chuyên chế lúc nào không hay. Đó là luật tâm lý rất tế vi, ít người tránh được. Muốn tránh đoàn lũ đồng đều lại bật sang thái quá đối ngược là lập dị. Đó gọi là luật "mạnh chống mạnh chấp" và rất khó nhìn ra, nên có những trí khôn đặc biệt như Lão Trang cũng vô tình để lại trong lịch sử văn hóa Trung Hoa một sự mỉa mai đồ sộ với hai chữ Hoàng Lão. Hoàng đây là Hoàng Đế tổ sư du mục chuyên chế khác xa Lão Trang đề cao thiên nhiên đột khởi tự do cùng tột. Thật là ở hai cực trái ngược. Kết quả là Lão ngã vào tay Hoàng Đế tổ sư của chuyên chế pháp gia, diễn lại cái trò thường tình của con người mạnh chống mạnh chấp, đâu đâu cũng xảy ra. Tây phương có câu phương ngôn "Abysus abysum invocat", hố thẳm bên này gọi đến hố thẳm bên kia, hai bờ thái cực trở nên liền ngõ: les extrémités se touchent. Muốn thoát tay Hoạn Thư hồn khóm lại bị Sở Khanh Ý Hệ đưa trở lại với quỷ đồng nhất. J. J. Rousseau đề cao thiên nhiên đột khởi thong dong cùng cực, nhưng đã đưa đến mệnh lệnh tuyệt đối của Kant được coi là đồ đệ của Rousseau.

18. Đó là hệ quả của luật mạnh chống mạnh chấp. Cho nên muốn thoát hồn khóm là một chuyện mà tìm ra đường lối hiệu nghiệm là chuyện khác. Phải sao giữ được cả hai . Phải sao đạt được như cây đàn độc huyền của Việt tộc hiện thực được cách kỳ lạ tính chất nhất đa: một mà nhiều; chỉ một dây nhưng lại làm nảy ra muôn điệu. Bí thuật ở tại dị biệt không căn cứ trên số dây, tức những dị biệt hiện hình nhưng trên những cái rất tế vi, vô hình nên dị biệt còn nhiều hơn ở những đàn có nhiều dây nhiều phiếm. Ở dương cầm chẳng hạn tự đô đến rê chỉ có hai độ chứ ở đàn độc huyền thì nói được là có đến 9 coma hay cả 27 coma ! Nghĩa là sự khác biệt nhiều đến độ trở thành liên tục không còn những cung bậc phải bước để đi sang độ khác. Nếu muốn tìm một câu để công thức hóa những cái dị biệt cùng cực mà lại được thống nhất cũng cùng cực đó thì chính là câu Việt Nho rằng "quân tử hòa nhi bất đồng" = "quân tử hòa mà không đồng". "Hòa nhi" chỉ phần ngoài như một số công thức, ước lệ, cần phải theo phải hòa, vì chúng cần cho cuộc sống chung, khỏi phải lý lẽ chi hết. Nếu bên Anh (xưa) lái xe tránh bên tả thì cứ tránh bên tả: cứ hòa nhi, còn bên Pháp tránh bên mặt cũng phải hòa nhi: không cần tìm lý lẽ. Nhưng chỉ đến đấy thì phải dừng lại để mà bất đồng, đặng có đất rộng cho sự thành tựu cái đặc biệt tư riêng của mình.

19. Thí dụ Lễ Gia Tiên: đại chúng cúng ông bà để cầu lợi lộc tư riêng, mà người quân tử có thể "hòa nhi" là cũng cúng tế như ai, nhưng bất đồng được biểu lộ bằng cúng tế không vì lợi, mà cốt chỉ để kính trọng cái nhân tính con người. Biết bao thí dụ khác có thể đưa ra: chúng làm nên một cuộc sống "lưỡng nghi" vừa thích nghi với những cái chung chung của đại chúng, vừa thích nghi với những cái đặc trưng của riêng mình. Một đàng là dân của một nước phải tuân theo luật chung trong nước. Nhưng đàng khác là nhân phải có tư cách riêng biệt. Đó là lối sống gọi là "lưỡng hành", có khả năng hội nhập được cái lợi ở cả hai đợt: cả cái tổng quan được nâng lên hàng thống nhất, cả cái chi li dị biệt đều được hội nhập tức là thâu nhận và biến cải.

20. Ở đây là hội nhập được tính chất kết đoàn của giai đoạn khóm thể, để biến đoàn lũ trở nên công thể. Ở đoàn lũ cá thể bị nuốt trôi trong đoàn lũ. Còn ở công thể thì mỗi cá thể là một thành viên vẫn được giữ phần cốt của tính chất tư riêng mình. Sự giữ này có cái lợi của giai đoạn cá thể là đề cao những gì tư riêng căn bản hơn hết làm nên con người có nhận thức. Vì thế lúc nào con người nhận thức ra được cái tư riêng thì cũng là nhận thức ra được nhân cách bị nuốt trôi. Sự nuốt trôi này được biểu lộ dưới hình thái man rợ. Ở giai đoạn khóm thể là những đền đài khổng lồ như Kim Tự Tháp, Angkor... rút hết sinh lực toàn dân: mục đích tối hậu của nó chỉ là duy trì cái ngã của một người là Vua Thần. Điều đó nói lên sự nghèo nàn biết bao của quan niệm nọ: cả nước vất vả mà chỉ duy trì được có một người. Vì thế đó là dấu hiệu của sự giết người.

21. Ở giai đoạn cá thể thì cái hại của nó là ý hệ, khi ý hệ được hiện thực cũng rút hết không những tiền tài vật dụng mà luôn cả ý, tình, chí con người, bắt toàn dân phải vâng theo cái ngã của kẻ thống trị. Thành ra cũng trói buộc con người lại đợt cưỡng hành. Cùng lắm mới là lợi hành tức chưa thoát được vòng ngoại khởi nên cũng còn là sự nghèo nàn, sự đồng điệu: thiếu hẳn phong phú tính là dấu hiệu của vô biên tính vốn gắn liền với sức sống, vốn đầy sáng tạo. Sáng tạo chỉ được phát triển mạnh ở đợt an hành, vì nó là tác động tự nội, tự do có sức nuôi dưỡng cá tính con người, giúp con người toàn diện có khả năng nhìn ra và hiện thực vô vàn cái dị biệt. Đó chính là cái làm nên tư cách, nhân cách, cá tính. Con người khác con vật ở chỗ nhận ra và hiện thực những dị biệt càng nhiều càng vi tế thì càng trở nên linh thiêng. Chỗ những người phàm tục không thấy chi khác biệt, thì người đạt thân thấy vô số, y như trong những ngành riêng khác người chuyên môn thấy vô số dị biệt mà thường nhân không hề để ý. Chính những cái tế vi đó làm nên cõi tâm linh. Tâm với linh là một, cả hai đều giống thần tức vô phương nghĩa là quá tế vi đến độ không cần nơi chốn riêng để ở, vì nơi chốn thuộc không gian lượng số, thần vượt lên trên rồi khỏi cần đến chốn nơi vì vậy mà không đâu không ở. Cho nên sức dung thông thâu nhận vô biên. "Tri Thường dung" là thế. (Tri được Thường hằng thì tất nhiên dung thông)

22. Đó chẳng qua là sự áp dụng luật chí trung hòa "nội hàm càng nhỏ ngoại hàm càng to". Muốn bao quát nhiều, muốn hội nhập nhiều thì một ý niệm phải róc bớt đi những cái rườm rà những yếu tố bám theo: càng bớt thì càng hợp cho nhiều loại. Áp dụng luật đó vào tâm lý thì tâm hồn phải xả bỏ các tư ý tư dục, xả bỏ được nhiều, sức bao quát sẽ lớn lên theo đó. Xả bỏ đến cùng cực đến độ trống trơn thì gọi là tâm linh: sẽ bao trùm cả vũ trụ. Vì thế tâm linh cũng gọi là "vũ trụ chi tâm". Đó là lối nói để chỉ phổ biến tính mà không thiếu cụ thể tính đi kèm. Tức là phổ biến tính có thực chứ không là thứ phổ quát lý trí nó trừu tượng: chỉ có trong tưởng tượng. Thí dụ như ý niệm về nhân loại ngày nay chỉ là một ý niệm phổ quát trừu tượng trống rỗng đang khi chữ thiên hạ của Việt Nho cũng gọi là "tứ hải giai huynh đệ" có nội dung thực sự, nên trong đó không có phân chia giai cấp, vì ai cũng tham dự nhân tính như nhau.

23. Áp dụng vào xã hội là sự vắng bóng độc quyền độc chuyên vốn gắn với đại đồng, đồng nhất. Ở đây là thống nhất là cái không diệt trừ những dị biệt; mọi cá thể đều có chỗ phát triển cái tư riêng của mình. Vì vậy đoàn thể đó không là đoàn lũ mà là công thể với các thành viên sống như một phần cơ thể không mất tư cách riêng. Gia đình làng xã là những công thể vừa tầm tay của mọi người, vậy mà tất cả vẫn qui vào quê nước. Chính sự duy trì cái tư riêng trong cái chung đó làm nên những công thể. Trong công thể mỗi cá thể là một thành viên: có những suy tưởng cảm nghĩ tư riêng không hề bị cấm đoán. Ở trong một xã hội mà thành viên không có được quyền tin tưởng, tự do ngôn luận, đi lại thì đấy là đoàn lũ. Chính những suy tư, nói, nghĩ làm nên cái tinh hoa cao nhất của con người, làm nên cái cá tính khác hẳn đoàn vật. Cấm đoán những cái tư riêng đó thì có khác chi đoàn vật. Nó chỉ còn là đoàn lũ do nhà chuyên chế cưỡng ép thiếu tự tình. Trong đoàn thể sự thống nhất có được là do tâm tình yêu nhà yêu nước. Nhờ vậy nó duy trì được cả hai, vừa yêu nhà vừa yêu nước như ở đợt hồn khóm, vừa phát triển được cá tính đặc trưng của mình như ở đợt cá nhân, nhưng lại cao hơn cả hai; thay vì đoàn lũ với hồn khóm thì ra đoàn thể hay công thể với hồn thần. Đó là nhờ đợt cá tính xây trên tâm linh cũng gọi là cái tâm trống rỗng.

24. Nếu xem vào cách phân tích theo kiểu triết ta sẽ thấy trong đợt cá tính có sự ngược chiều ở tại có mà như không, không mà lại có: có đoàn tụ thành công thể, nhưng lại như không, tức công thể không cản trở việc "thận kỳ độc" là việc phát huy đến cùng khá thể của mình. Đó là điều nếu được cơ cấu hóa sẽ thành ra hai hình tròn vuông ngược chiều: tròn chỉ vòng đồng tâm đi vào nhỏ cùng cực, nhỏ đến chỗ vô thanh vô xú, nhưng lúc tỏa ra lại bao gồm hết mọi dị biệt chỉ bằng các cái vuông bốn góc bánh chưng.
Trong tâm lý con đường ngược chiều này thường xuất hiện tự quãng 40 đến 50 tuổi Mỹ gọi là climacteric, khi ấy con người bắt đầu chán dần những cái bên ngoài, để chú tâm đến tâm linh nội tại. Người nào nghe được tiếng lòng để đi theo như vậy thì chính là lúc từ giã giai đoạn cá thể để lên tính thể tâm linh.

25. Triết Việt Nho đã phát triển hai hình tròn vuông thành ngũ hành và Lạc Thư để giúp con người đi đến chỗ nhận ra mình là vũ trụ chi tâm, vì khi người nào hiện thực được sẽ cảm thấy vũ trụ chính là tâm mình. Nói cụ thể là cảm thấy mình không bó kết với một cá thể nào đến độ độc hữu, đến độ phải trừ khử các dị biệt khác, nhưng là sự chú ý khai mở tâm thức ra rộng cùng cực đến độ có thể nói trong vũ trụ không việc nào là không liên can với mình, khiến mình thấy có nghĩa vụ. Còn nếu rửng rưng: ai khổ ai đói mặc bay, tệ hơn nữa lại còn ghét bỏ thù oán căm hờn là tỏ ra còn đang bò lết dưới độ cá nhân ích kỷ. Ai mắc chứng đó tất không nhìn ra mối liên hệ nằm ngầm giữa người nọ với người kia. Mối liên hệ nằm ngầm đó ví như mạch máu chuyên chở chất nuôi dưỡng đến từng phần thân thể. Không cảm thức được thì con người trở nên như gỗ mục không còn tình người. Ta hãy tìm ra căn do chứng bệnh đó.

V. CĂN NGUYÊN SIÊU HÌNH.

26. Cái căn cớ sâu xa có tính cách siêu hình của căn bệnh cá nhân ích kỷ là vũ trụ quan tĩnh coi trời là trời, đất là đất, xa lạ với người: cả ba không làm nên một thân thể. Vậy phải thay vào đó bằng thuyết Tam Tài. Tam Tài là sự phân tích bao la của thuyết "vạn vật nhất thể" nó làm nên một thứ chân trời rộng lớn khiến người hút thở trong đó lâu ngày trở nên nhân hậu hơn, sâu đặm hơn tình người hơn, y như câu "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", hoặc như người ở bên hoa lâu ngày thấm nhuần hương hoa tỏa ra thơm ngát. Người nuôi dưỡng vũ trụ quan nhất thể cũng vậy, lâu ngày coi mọi người như cùng thân thể với mình nên dễ dàng yêu thương tương trợ.

Tóm lại khi con người mới thoát khỏi vật tính thường đi theo luật đồng nhất với cái nhìn khái quát quá đã đến độ chưa nhận hẳn ra mình là một thực thể biệt lập. Dần dà tiến bộ thì nhận ra mình biệt lập với các vật thể và sự vật cũng có nhiều khác biệt cần phân tích, càng phân tích càng tiến bộ. Cho tới bậc tột cùng trong khoa vi thể là phân tích đến nguyên tử của sự vật. Trong triết ở lì lại đợt phân tích sẽ là ý hệ là cá nhân ích kỷ .

Vì thế phân tích rồi còn phải tiến thêm đến thống nhất hay đúng hơn phân tích đích thực dẫn đường đến tổng hợp. Tuy nhiên cần phân ra hai thứ tổng hợp, một thứ xây trên ý niệm trừu tượng thì chỉ đạt cái "nhân loại" trừu tượng thiếu nội dung tình người: chỉ có cưỡng đoạt làm nghèo nàn làm trút hết mọi vẻ phong phú. Phải là thống nhất xây trên tâm linh mới là nền thống nhất trung thực, nó rất phong phú tình người cũng như bao dung muôn dị biệt. Nền thống nhất này có tính cách vô biên nên gọi là phổ biến. Con người còn phải dày công mới đạt được, nhưng lý tưởng là đó.


V. SỐNG NHƯ CHƠI

ĐỊNH NGHĨA CHƠI

    1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua.

    2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng. Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều.
   
    3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng chỉ có chơi. Chơi chiếm hầu trọn quãng sống đầy hạnh phúc nhất, đầy tăng trưởng nhất.
   
    4. Trong loài người chơi cũng xuất hiện trước cả văn hóa. Văn hóa chỉ đến sau để uốn nắn xếp đặt đặng "in dấu" con người vào sự chơi đã có trước, nhờ đó chơi trở nên một biểu lộ của văn hóa. Lịch sử văn hóa Việt Nam mở đầu bằng hình ảnh cuộc chơi tưng bừng, bao la như vũ trụ: gồm cả thiên địa vạn vật cùng chơi như được ghi trên mặt trống. Suy xét cho thâm sâu ta sẽ thấy rằng đó phải là mẫu mực của mọi nền văn hóa chính tông, tức văn hóa phải mở đầu bằng chơi, kết hậu cũng bằng chơi: sống như chơi, chết cũng như chơi. Với con người chơi là cứu cánh ; cho nên hầu hết văn hóa loài người đều có quan niệm gần hay xa với câu "hóa nhi đa hí lộng: trẻ tạo hóa chơi rất nhiều: đa hí lộng mà ta sẽ thấy đó là quan niệm giải nghĩa ổn hơn hết cuộc sinh sinh hóa hóa bất tận của vũ trụ càn khôn. Như vậy chơi là một tác động cao nhất của cuộc sống, có tính cách linh thiêng hơn hết. Chơi không bị ràng buộc vào những mục đích bé nhỏ, những đối tượng nhất định: chơi là chơi. Tạo hóa không làm chi khác mà chỉ có chơi: hóa nhi đa hí lộng, chơi như trẻ con chơi: không nhằm đạt cái chi bên ngoài. Cho nên ở đợt cao nhất, chơi không nhằm mục tiêu nào khác ngoài chơi, nghĩa là nó không cần hướng đến mục đích ngoài nó, nó là một động tác tự tại, không cần động cơ ngoài thúc đẩy. Chơi được như vậy có nghĩa là đã sống được cuộc sống no tròn, không phải tìm kiếm chi khác nữa: chơi đã có đủ hết nơi nó.
   
    5. Bởi vậy chơi được xem là sự tràn bờ của sức sống  và hạnh phúc. Chính vì thế mà trẻ con chơi nhiều hơn người lớn. Sinh lực chúng còn đang trong đà tăng vọt, tràn ra khỏi biên cương cơ phận: thân xác trở nên quá hẹp không đủ chỗ cho sức sống vẫy vùng nên phải mở mang thêm bờ cõi thân thể bằng chơi.
    Chính sự tràn bờ, chính sự tự tại không nhằm mục đích nọ đưa chơi vào cõi thần tiên vì: Thần vô phương, chơi cũng không bị trói buộc vào biên cương hay một mục đích nhất định, nên nó giáp giới với vô biên. Vô biên chính là Thần. Chơi cũng chính là thần vì nó không có mốc giới, nó biểu lộ những nét linh thiêng của chân, thiện, mỹ như sức căng thẳng, sự năng động, nhịp nhàng, hòa hợp, cân đối, đa diện, là những nét vi tế của sự đẹp.
   
    6. Thời cổ xưa chơi thường nằm liền ngõ với tế tự, một tác động nền tảng hơn hết của con người, đặt con người vào mối liên hệ chặt chẽ với linh thiêng, nên là một tác động cao cả hơn hết, vì thiết lập liên lạc với vô biên, tức với cái chi không giới mốc, không bị hạn cục. Ở buổi bình minh nhân loại, ta thấy chơi đi cùng tế tự là do lẽ đó.. Thời ấy các cuộc tế tự đều có múa, có ca, bởi ca múa chính là cuộc chơi đã được cơ cấu hóa. Đấy là lý do tại sao nhiều triết gia đã đồng hóa việc chơi với tế tự. Hình ảnh trên mặt trống đồng muốn nói là cuộc tế tự hay một cuộc chơi cũng được, vì tính chất bao la phổ biến của chơi và tế tự như nhau, đích cùng cũng như nhau: đều đặt con người liên hệ với vũ trụ tức là với linh thiêng. Cho nên trong các xã hội cổ đại có vô số cuộc chơi đặt liền với các cuộc lễ. Nhiều nhất và giữ được lâu hơn hết là nơi Việt tộc: mở đầu là tế tự, tiếp nối là chơi. Nói được các cuộc chơi đó nhất là các hội Xuân chính là sự kéo dài của cuộc tế tự.  Ông Paul Mus gọi dân Việt là một dân gồm toàn những tay chơi: un peuple de joueurs. Đó là câu nói khen ngợi cùng cực; mọi việc đã được đẩy đến độ chơi, có nghĩa là đã đẩy đến độ tế tự: il n' agit pas, il officie: ông nói: "họ không còn làm nữa, họ tế tự". Paul Mus nói thế vì tính cách thành khẩn của việc, nó hút trọn bầu linh lực không để vương vãi đi đâu chút nào.
  
7. Trên đã nói chơi là tác động không nhằm mục tiêu. Tại sao có chỗ lại nói đến mục tiêu, nói đến đích cùng của chơi. Thưa đích cùng là nối với vô biên thì cũng như không có mục tiêu, tức tiêu điểm vượt ra khỏi tai mắt, không còn gọi là mục đích được nữa. Vì mục đích là cái đích được mắt nhắm tới. Còn đây tận cùng là cái chi vô biên nên vượt bờ cõi của tai mắt, của giác quan, và đó là bản chất của cuộc chơi trung thực, nó cũng giống tế tự mà Việt Nho đã nói là "tế tự bất kỳ" tế tự trung thực không xin gì hết (bất kỳ) chỉ cốt cho lòng bay lên. Vì vậy xin xỏ không còn là tế trung thực. Xin cái nọ cầu cái kia là tự cột mình vào những cái bé nho có mốc giới hạn hẹp, đang khi tế tự chân thực phải được như chơi chân thực, là phải nâng tâm hồn lên không cho phép nhằm mục tiêu gì khác ngoài mình, có vậy mới giải thoát được tâm hồn ra khỏi sự thằng thúc của những cái bé nhỏ để hồn bay lượn trong cõi vô biên; cứu cánh cuộc đời là đó. Vậy nên khi nói phải sống cái sống như chơi cũng chính là nói phải biến cuộc sống trở nên một cuộc tế tự thường xuyên và trường kỳ. Tuy nhiên những câu nói đó rất dễ gây hiểu lầm là vì tất cả sống, tế, chơi đều đã đi trật khỏi đường thông với vô biên để bị mắc kẹt vào những ngõ bí không lối thoát. Vì thế cần gỡ lần ra khỏi sự rối ren nọ, cần nghiên cứu riêng về sự trật đường của cuộc chơi. Đầu trước hết là sự phá rối cuộc chơi.

NHỮNG KẺ PHÁ RỐI CUỘC CHƠI.

  ....................


VI.TỪ LAO ĐỘNG TỚI AN VI

* Bài này đã in như phụ trương trong quyển HỒN NƯỚC. Nay đưa vào đây mới là chính chỗ.

 

  A. NGUỒN GỐC TRIẾT LÝ LAO ĐỘNG.

   1.  Tháng giêng ăn tết ở nhà
       Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè .. 
    Đó là câu đã làm biết bao người Việt trước đây bực dọc thấy quá nhiều thì giờ bị tiêu phí vào việc ăn chơi hội hè, đang khi các nước văn minh giàu hơn mình gấp cả trăm lần còn làm việc trối chết, tết cũng chỉ có một hai ngày, thế mà dân mình túng rớt cục mồng tơi đòi ăn tết đứt đuôi đi một tháng. Vậy chưa cho là đủ, còn đòi thêm hai tháng nữa mới kinh khủng. Mất nước cũng đáng kiếp.
  
    2. Thế là từ đấy nổi lên cuộc giương cờ trống đi rước văn minh Tây phương cùng với triết lý lao động của họ đưa về cho ngự trị trong nước; hậu quả là ba tháng tết rút lại còn có ba ngày, mà nhiều khi còn bị xén bớt. Liệu rồi với đà làm việc đó chúng ta có đuổi kịp Tây Âu chăng? Để tìm câu đáp hôm nay chúng ta đem vấn đề ra cứu xét: tại sao lại có cái vụ trái khoáy như trên: nước túng mà tết lại dài với một chuỗi hội hè đình đám.
  
    3. Trước hết nên nhớ lại Tây Au mới làm việc quần quật từ lúc có khoa học kỹ thuật. Còn triết lý lao động lại đến muộn nữa, mới chừng một thế kỷ nay. Từ đấy mới có đảng lao động, rồi lễ lao động và lao động được đề cao cùng cực, đến độ giai cấp lao động được trao phó cho sứ mạng cứu thế, nên đảng lao động đã tận tình thực thi sứ mạng đến độ chỉ còn để lại có việc thuộc chân tay như sản xuất đồ vật , có vậy mới đáng kể là lao động. Văn học nghệ thuật muốn được tồn tại cũng phải hô hào cổ võ cho việc thi đua sản xuất, ca ngợi lao động mới xong. Ngoài ra ai còn dám nói tới tình người tất bị lên án là phản cách mạng, phản sản xuất.
   
    4. Đó là sự quá trớn dễ dàng nhận thấy, nhưng có một điều không mấy ai thấy là cái lý do gây nên phong trào làm việc quần quật nọ. Vậy nguyên ủy sâu xa ở tại triết lý cổ điển đã xao lãng việc đề cao lao động thì chớ, lại còn coi việc làm là hình phạt hay như cái chi hèn hạ, chỉ đáng dành cho nô lệ (gọi là servile). Aristotle cho việc lao tác bất xứng với người tự do . Cũng vì đó triết lý đã không tìm cách phá chế độ nô lệ, còn bào chữa cho là cần thiết để xã hội tồn tại. Vì xã hội mà thiếu lao động thì sống sao nổi, mà ai lao động cho đây nếu không có nô lệ. Đấy quả là một tang chứng về vụ triết học đã phản bội con người vốn mang trong xương tủy tính chất tác hành. Vậy mà mãi đến đời nay các triết học gia chưa hẳn rút chân ra khỏi câu tuyên bố đầy ô nhục nọ của Plato, Aristotle. Đó là dấu chứng tỏ triết học đã đặt hướng lầm, nên không thấy rất nhiều điều thiết yếu cho con người trong đó có sự coi thường lao động, vì thế trải qua bao đời, lao động vẫn bị khinh rẻ, đó là lý do sâu xa nhất đã gây nên cuộc phản động đề cao lao động như vừa nói trên.
   
    5. Nhưng rồi "mạnh chống mạnh chấp"; cái gì do phản động thế nào cũng gây nên sự mất quân bình là cái sẽ dẫn đến chỗ cắt hoạn con người, bắt con người làm quá nhiều về chân tay lao lực, không để thì giờ phát triển những khả năng về tình và chí còn cần thiết gấp bội cho sự lớn mạnh của con người trung thực. Bởi nhà nước chiếm đoạt hết quyền điều lý thì đã là tước đoạt  quyền định đoạn phác họa chương trình của tư nhân cả đến những chi tiết lặt vặt cũng xen vào với chính sách "làm hết" (tout faire) biến cá nhân thành cái ruột đinh ốc, một cái bánh xe chỉ biết máy động do sức đẩy bên ngoài. Đã vậy mục tiêu cũng bị đặt bên ngoài con người như làm để có thêm tiền, làm để cho nước giầu mạnh, hay đi giải phóng chứ không chú ý đến nhu yếu con người thực đang sống ở đây và bây giờ. Đó là những cái bên ngoài con người gọi là thành công được nhằm như cứu cánh, không còn tiêu điểm để biết đến đâu là đủ, là "tri túc". Thế là biến con người thành loài kiến, suốt đời phải tha mồi để chất đống, tha hoài tha hủy, không bao giờ được ngửa mặt lên ngắm trời đất với muôn hoa đua nở chứ đừng nói đến việc siêu lên cõi tâm linh là chiều kích đích thực của của con người. Muốn thế ta cần phải đi tìm một nền triết khác thay vào cả hai nền triết Tây Âu; cổ điển thì khinh việc, còn nay chỉ biết có việc sản xuất. Cần một nền triết lý cân đối đầy đủ cho con người lưỡng thê.
   
    B.HAM CHƠI VÌ CÓ TRIẾT LÝ TÁC HÀNH.
   
    6. Điều đó chỉ có thể tìm ra được  trong những miền có triết lý hành động từ đầu, tự cơ cấu. Và đó là trường hợp Việt Nho khi định nghĩa người như những tác nhân, xuất hiện theo cung cách của Bàn Cổ, cái gì cũng tự làm lấy hết; từ việc xếp đặt trời đất, âm dương, cho đến núi sông, cả con người nữa cũng tự làm ra, sau này con cháu đều bắt chước. Ngay đàn bà mà có thèm kể đến phận liễu yếu đào tơ đâu – cũng ra tay dọc ngang trời đất, cũng dám đội đá vá trời ! Dễ có mấy tay !
    7. Nữ nhi mà làm những việc có tầm vóc vũ trụ! Chả trách sau này sinh ra toàn những tay thánh tổ của tác hành như ba vị thánh quan thầy lao động của Việt Nho cổ đại coi là Uyên Công, Mẫn Công, Đạt Công (được thờ ở đền Đào Xá Phú Thọ). Rồi đến trai thì hùng đã đành, mà cả gái cũng đảm nữa, nên khi lấy chồng thì kêu là đi "gánh vác", hiểu là "đi gánh giang sơn nhà chồng". Lại nổi máu con cháu Nữ Oa lên nữa rồi.
    Người ta gánh cá gánh rau thôi chứ, đây đòi gánh sông gánh núi, tức những công việc có tầm vóc vũ trụ vậy. Nói theo công thức của Nho thì ba vị công trên là Tam Tài.
   
    8. Chữ Tài viết bằng bộ thủ (tài gãy    ) hàm ý động tự. Thế có nghĩa là con người được quan niệm như một tác nhân, mình đầy nhóc những động tự là động tự. Trên đời này không thể tìm đâu được một triết lý hành động uyên nguyên đồ sộ đến như thế. Theo triết lý ấy chỉ có việc làm mới có giá trị, nên các vua huyền sử của Việt Nho không xuất hiện từ dòng máu như sinh ra bởi thần thánh nào, mà chỉ lấy toàn tên từ một thành tựu, một cuộc phát minh nào đó:
    Toại nhân phát minh ra lửa
    Phục Hi thuần phục súc vật
    Thần Nông thuần phục lúa
    Hùng Vương thuần phục tinh thần
    Bà Nành, Bà Giâu là những người đã thuần phục cây đỗ nành, cây dâu...
    Kể ra chẳng xiết. Rõ rệt là không hề có một dấu hiệu nào coi khinh việc làm, trái lại việc làm được đề cao từ trong xương tủy, đến nỗi kẻ sĩ thường mang tiếng là dài lưng tốn vải, vậy mà khi chết cũng phải chôn theo một biểu hiệu  việc làm đó là lưỡi cày. Ông vua cũng phải đi cày, ít ra một cách tượng trưng; cày trên ruộng tịch điền ba luống. Vua Lê Hoàn tự cầy cấy trọn ruộng tịch điền...
   
    9. Tóm lại không những cơ cấu Việt Nho là tác hành, đến nỗi đạo được gọi là Ngũ Hành, mà cả đến sơ nguyên tượng, và điển hình cũng là những tác nhân, những ông chống trời, ném cát, tát biển tức những việc có tầm vóc vũ trụ.
    Cho nên nếu hiểu thấu được triết lý tác hành chân thực thì phải nhằm phát triển con người đến toàn diện mênh mông như vũ trụ. Nay đòi giản lược vào những vật hữu hình, độc chuyên có đợt sản xuất. Đó là san phẳng theo nguyên lý đồng nhất (A=A) giản lược con người vào nhu yếu duy nhất là ăn. Không biết chi tới "ở đời" có chiều kích vô biên rộng như vũ trụ, khiến con người có thể tham dự cùng trời đất. Đó là chỗ giải nghĩa những cuộc hội hè đình đám mà ta cần tìm hiểu thêm.
   
    C.TẾT LÀ GÌ?
    10. Muốn hiểu được tầm quan trọng của Tết cần nhớ lại với Việt Nho thì siêu hình là thời gian và tình cảm. Cả hai đều vô hình nhưng lại có thực; đó chính là chất liệu làm nên con người, tràn ngập toàn thể con người dưới tên bao quát là tình, tâm tình. Đó là then chốt của con người, con người cần phải "tùy thời". Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai", vì tùy thời cũng chính là sống theo tình theo tính, tức là đạo. Đó là những việc không thể bỏ dù một giây. Nhưng có những lúc cần trọng thể hóa: như những thời điểm khởi đầu mùa, đầu năm Nho gọi là tiết, ta đọc là tết. Đó là ngành ngọn của chữ thời.

    Còn ngành tình thì ta thấy Nữ thần mộc săn sóc cho mối tình nảy nở qua thể chế gia đình: rồi nhiều gia đình làm nên làng xã. Hàng ngày sống tình gia đình, nhưng lâu lâu vào những khởi điểm cũng cần sống theo chiều kích toàn thể của mình, cái sống của công thể. Sống đầy đủ nhất tự ăn uống, chơi đùa, cho tới ca hát, tế tự. Đấy là lý do thâm sâu của các cuộc hội hè đình đám kéo dài: đó là sự tác động của một nền siêu hình trung thực hơn hết, đáng được coi là khôn sáng thông giỏi hơn cả. Vua Hùng Vương chỉ truyền ngôi cho công tử Lang Liêu vì đã biết trình bầy việc ăn uống ngày tết như hình trời đất, và dân chúng đã thấu hiểu triết lý đó nên kêu là vua Tiết Liệu: tiếng này vừa có nghĩa món ăn ngày tết, mà cũng hàm ý biết lo liệu đúng tiết điệu của đất, trời, người.

    Như thế, tết hay hội hè đình đám chính là những phút linh thiêng mà con người dùng để sống hòa điệu với nhịp vũ trụ của hóa công được quan niệm như trẻ thơ ca múa "hóa nhi đa hí lộng", để cho đúng câu "thiên nhân tương dữ" trời người cùng tham dự. Tham dự chi? Thưa cụ thể là tham dự cùng một tiết nhịp. Vì thế tết cũng kêu là tiết: có bao nhiêu tết là có bấy nhiêu tiết. Mỗi tết trở nên cơ hội cho con người sống đời sống của Đại Ngã Tâm Linh, sống hòa mình vào nhịp vũ trụ, để con người sống những giây phút an hành vượt hẳn ra ngoài vòng danh lợi của hai đợt cưỡng hành lợi hành. Chỉ ở đợt an hành con người mới dễ sống thanh thản trong bầu khí bao la của trời cùng đất.
   
    11. Đây là lý do sâu thẳm tại sao tết với những hội hè kèm theo được coi là thiết yếu cho con người để phát triển những khả thể vô biên của mình, là cái giúp con người khỏi thiên lệch sang trời hay đất, tức làm nô lệ cho những cái ngoài mình như tiền tài, quyền quý. Đất biểu thị những gì bé nhỏ chỉ bằng những góc cạnh (bốn phương) như những nhu cầu ăn uống, đó là lối tác hành hiện ra hình thể có tính cách thúc bách, nó trói buộc con người vào vật thể, nếu không có những lúc dành riêng để tâm hồn thoát lên thì rồi sẽ bị trói chặt mãi vào đất để cho hạ tầng kinh tế chỉ huy trọn vẹn; kết cục là con người bị biến thành những dụng cụ sản xuất, những máy tự động vô hồn, không còn nghĩ tới được thượng tầng, đành trở nên những con người què quặt – vì đánh mất toàn vẹn tính của mình gồm không những hạ tầng như phải ăn, uống mà còn cả thượng tầng tâm linh, thượng tầng văn hóa.
12. Vì thế thượng tầng cũng phải tác hành, nhưng đi lối khác hạ tầng kinh tế vì nó là trời tròn đầy viên mãn có thiếu chi đâu mà phải lợi hành, nên có thể an hành tức là hành bằng tiết nhịp: làm không phải để được cái chi mà để triển diễn chiều kích vô biên của con người. Triết lý chơi nằm ở chỗ đó, ở chỗ hành không phải để được cái chi cả. Đúng hơn là không nhằm những cái nhỏ bé có thể trở thành mục tiêu, nhưng nhằm thỏa mãn chiều kích vô biên nơi con người, như để con người được tập dượt cho quen dần đặng vượt lên cõi bao la bên ngoài lợi lộc để phát triển sự toàn vẹn của mình.
   
    13. Sự toàn vẹn bao gồm cả đức trời cả đức đất. Về phương diện đức đất con người phải lao động sản xuất, phải làm mà ăn. Tục ngữ quen nói: "tay có làm thì hàm mới nhai". Nhưng con người không chỉ có hàm mà còn nhiều cái khác, mà bao la hơn cả là tâm, là tình. Tình, tâm phải lớn bằng vũ trụ để trở nên vũ trụ chi tâm. Nói kiểu khác là đức của trời, và tới đây thì phải biết ăn chơi.
  
     14. Chơi cũng gọi là ăn sao? Thưa rằng tại sao không. Nếu ăn là để nuôi dưỡng xác thân, thì chơi là để nuôi dưỡng cái chiều kích vô biên của con người nghĩa là những đức tính không thể đo lường bằng ích dụng, thí dụ những mối tình cao thượng về yêu thương, hòa bình, quảng đại, những khát mong hướng về chân, thiện, mỹ, toàn là những đức tính vô hình, nên thường bị coi như vô ích nhưng khi nhìn con người toàn diện lại thấy cần biết mấy. Vì thế mà trên đời chưa có cái hữu ích nào đắt bằng những cái "vô ích": một bức họa thời danh nhỏ có thể trả cả triệu dollars vẫn chưa mua được là vì thế, đúng ra vì nó vô giá. Vô giá vừa có nghĩa 'vô ích" vừa có nghĩa là có giá vô ngần. Đó là bằng chứng bất ngờ nói lên sự cao trọng của những cái "vô ích". Vì hữu ích là hạn cục vào một mục tiêu; cây viết có ích để viết thì không ích cho việc chỉ giờ. Đồng hồ có ích chỉ giờ thì vô ích cho sự xê dịch.. mỗi sự hữu ích là một hạn cục, không còn lối mở vào cõi vô biên cho nên cần thiết phải có chơi để khỏi biến con người thành một dụng cụ "có ích". Cần làm sao cho con người mãi mãi là một thực thể "vô ích" để có khả năng thông đạt với cõi vô biên đã vượt xa khỏi bình diện có ích với không có ích. Triết lý chơi nằm trong đó, chơi tuy vô ích mà lại rất phổ biến, ai cũng ham chơi, mà lý tưởng là phải chơi.
   
    15. Tuy nhiên đặt ra được một triết lý chơi thật họa hiếm, nó đòi phải có hai điều; một là phải có triết lý chữ thời biết coi trọng tiết nhịp hai là phải có cảnh phong nhiêu phồn thịnh. Trước hết hãy nói về chữ thời mà cụ thể là tiết nhịp. Chơi mà thực đúng tiết thì phải được tổ chức vào những đầu tiết nhịp y như hát múa đều cần có nhịp nên ít ra phải theo được cung đầu và cuối của câu nhạc. Ở những cung giữa có sao nhãng hoặc bớt hay thêm một vài nốt nhạc cũng được, nhưng khi đến đầu nhịp thì mọi tay chơi phải hòa vào để đạt hòa âm. Vì thế mà thời xưa có niềm tin rằng ca vũ là phương tiện để thông giao với quỉ thần.
   
    16. Đó chẳng qua là niềm tin của thời ma thuật, còn chính ra là để thông giao cùng tiết nhịp trời đất. Đó là ý nghĩa tết. Vì thế Việt Nho là miền có lệ ăn tết dài nhất, thì cũng có thể coi là đạo đức nhất, tiến xa nhất trên thang tiến hóa. Đó là điểm một. Điểm hai cũng cần lưu ý đó là có nhiều tết hơn cả bởi chưng tết là lễ, tức là lúc để dành thời giờ cho việc thích nghi với tiết nhịp = hai chữ nghi lễ là do đấy. Do quan niệm lưỡng thê: một tác hành sản xuất cho thân xác, một an nghỉ cho tâm hồn. Lưỡng nghi là phải thích nghi cả với dưới lẫn với trên mới là triết theo nghĩa đầy đủ. Trong khi lao tác có thể lạc nhịp nên cần phải có tết để cho hợp tiết. Vì thế hai tết to nhất nhằm vào hai mùa Xuân Thu tức hai mùa của con ngời (trục phân hàng ngang). Còn hai tết thuộc trục chí là hàn thực và lễ lửa thì coi là tùy thuộc theo quan niệm nhân chủ đặt nặng trục ngang (xem "Triết Lý Cái Đình") Thế là xong cái vụ tháng giêng ăn tết ở nhà. Còn tháng hai sao? Chữ hai chỉ đất chỉ tiền tài, nên đưa đạo chơi vào cho đừng quá bám vào tiền tài là cái dễ chạy dễ thay chủ. Tuy nhiên vì cờ bạc dễ sa đọa nên xin đổi ra tập nhạc, hoặc học dịch hay tu luyện chi đó.
  
    D.THÁNG BA HỘI HÈ.
   
    17. Tháng ba ai cũng hiểu là tháng thứ ba sau tháng một và hai mà kỳ thực còn hàm ý vài ba, tức là nền minh triết thâm sâu  chỉ con người đại ngã tâm linh gồm ba trời hai đất. "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", mà ngọn của tâm là tình. Tình mẹ là mối tình bao la nhất trong cõi người ta nên chỉ bằng nguyên lý mẹ, biểu thị bằng các Nghi Mẫu, câu tháng tám giỗ cha tháng ba giỗ mẹ nên được chở theo ý phổ biến này. Như vậy nói tháng ba hội hè là một cách buộc chơi vào với minh triết. Triết lý của chơi nhằm đáp ứng hai nhu yếu thâm sâu của con người; một là tiết nhịp như đã bàn trên.
   
    18. Hai là thỏa thích mọi nhu yếu toàn vẹn là điều cần thiết cho sự triển nở con người mà sự phát triển các mối tình cao thượng là quan trọng nhất như đã nói trên. Đây là ý nghĩa cao cả, còn hiểu thấp xuống thì là nắp mở an toàn để con người có dịp xổ bớt ga ra do những điều không thể thỏa mãn, cũng như những uất ức, trái tai gai mắt, mà không một ai trong đời tránh hết được. Nếu không có dịp cho xổ ra thì những điều đó sẽ lắng xuống tiềm thức, rồi lên men gây nên những bệnh thần kinh. Các bệnh thần kinh đều phát xuất do những mảnh đời sống không được sống, như những uất ức không được nói ra, những yêu thương không được giải bày, những khát vọng không được đáp ứng.
   
    19. Không may đó lại là điều xảy ra thường xuyên từ hạ tầng đến thượng tầng. Ở hạ tầng cần phải ăn mới sống, thế mà biết bao người không được no thỏa vì thực phẩm cho đến nay nói chung vẫn chưa bao giờ dư dật, nên xảy ra chuyện mạnh lấn yếu; do đó nhiều người bị tước đoạt cả đến miếng ăn. Nhất là khi kẻ mạnh nắm được quyền lực thì thường đặt ra những pháp luật khe khắt để bảo vệ tài sản cũng như quyền hành, do đó sinh ra rất nhiều hạn chế trói buộc không những bên ngoài mà còn nắm lấy bao tử để chen cả vào đời sống tư riêng, kiểm soát cả ý, cả tình, cả chí. Thế là càng nhiều người bị tước đoạt hơn, khi đó nó không những gây nên các loại bệnh thần kinh gieo xao xuyến vào đời sống, mà còn biến thể thành những bệnh khổ dâm, khốn dâm, ưa thích phá hoại gây cho tha nhân khổ lụy, càng khốc thảm càng sướng vì đấy là những tên khốn dâm do bao đời bị đàn áp kết tinh lại, không được những cuộc hội hè đình đám xả bớt chất độc đi. Đó là lý do sâu xa tại sao minh triết lập ra những cuộc lễ lạy hội hè: một trong những mục tiêu thấp nhất là tháo khoán tức cho phép vượt thể lệ thường nhật cả trong việc ăn uống cũng như dục tính. Cho nên bản chất lễ là sự quá cỡ thường với mục tiêu mở nắp an toàn cho các uất ức buồn chán có dịp tiêu tán để bớt đi sức nén. Còn hiểu cao hơn thì hội hè chính là để con người được tham dự vào thời tính cũng gọi là đại thời đại không, tức như vượt mọi ranh giới của luật lệ, giai cấp để ai cũng được ăn uống, nói năng, múa nhảy thỏa thích hầu cho những mối tình khát mong sung túc, du dật, san sẻ bầu bạn có thêm nội dung cụ thể trung thực. Vì thế hội hè vẫn kéo theo đình đám.
  
     20. Đình đám nói lên cảnh phong liêu dư dật. Đó lẽ ra phải là cảnh sống của con người. Không may con người chưa sao tạo được cảnh phong nhiêu thừa thãi đó, thì ít ra lâu lâu phải có những dịp khác thường nới rộng sự ràng buộc hàng ngày để mọi người cùng được tự do hơn. Đó là ý nghĩa của lễ lạy, hội hè, đình đám nó đã xuất hiện trên khắp hoàn cầu ở những thời xa xưa như lễ Saturnales được mừng vào cuối năm trong xã hội cổ La Mã. Trong những ngày ấy chủ đi giúp bàn, còn ngồi ăn lại là nô lệ. Hơn nữa một nô còn được chọn làm "vua" trong cả tuần lễ ; có quyền sai khiến chủ. Bên Hy Lạp có lễ Hellades, ở đảo Crete gọi là Kronos, Do Thái là Purim, Babylon là Sacees... Tất cả đều nhằm đáp ứng nhu yếu thâm sâu kia và thường được tổ chức vào cuối năm trong những ngày thừa không kể vào tháng nào, nên thuận lợi dùng làm những ngày "tháo khoán". Đấy là ý nghĩa thâm sâu của lễ lạy, hội hè, đình đám. Tuy nhiên càng về sau các lễ càng bị rút nhỏ lại hoặc sa đọa như thí dụ: nô lệ được làm vua xong hết tuần lễ thì bị giết.
E. TRIẾT LÝ HỘI HÈ.
   
    21. Sở dĩ như vậy vì hội hè kéo theo một điều rất khó hiện thực đó là sự phong nhiêu hiểu cả về dưới lẫn trên.
    Dưới là sự dư dật tràn trề của ăn cho mọi người. Trên là sự thỏa mãn cho mọi nhu yếu cả ý, tình, chí. Cả hai điều đó đều đòi phải có triết lý nhân sinh. Trước là để thiết lập và duy trì bình sản, để ai ai cũng có đủ tài sản.
    Sau là nhìn nhận những thú vui, thỏa thích là điều tốt cho sự phát triển con người toàn diện, mà tình cảm cao thượng, vui sướng quảng đại, bao dung, hỉ xả .. là những mạch sống lớn nhất.
   
    22. Hai điều đó đã không có trong những xã hội theo triết học cơ khí. Mặt ngoài do sự tuyên dương quyền tư hữu đến độ tuyệt đối đã bóp chết cảnh phong nhiêu không bao giờ lan tỏa ra mọi người, cho nên dù xã hội giàu đến mấy thì tiền của cũng chui vào túi riêng một số rất nhỏ, hoặc vào tay chính quyền chuyên chế thì hầu hết dùng vào việc mở mang quyền lực, võ trang chinh phục. Còn đâu nữa cho đại chúng có được cảnh sung túc để mà hội hè. Mặt trong là thái độ thanh giáo khắc nghị không chấp nhận những vui thỏa bị gọi là của "xác thân" nên cho là xấu xa. Với thứ triết lý đó làm sao mà hội hè còn lý do tồn tại cho được.
   
    23. Đến đây ta mới hiểu tậi sao miền đất Việt Nho đã duy trì được nhiều lễ hội hơn hết cũng như lâu dài hơn hết, là bởi đó là quê hương của bình sản, cũng như triết lý tâm tình được đề cao hết cỡ. Tình trời, tình đất, tình người đều được vun tưới bằng đủ loại Nghệ thuật.
    Nếu có bao giờ thế giới để ý đến sẽ nhận ra rằng sau phần tư thế kỷ chiến tranh gieo rắc đầy đau thương thế mà cái tết dài nhất thế giới vào năm 1975 vẫn xuất hiện ở miền Nam Việt Nam, chứ không có ở đâu hết.
  
     24. Thế giới càng lạ hơn nữa khi biết Tàu, Nhật cũng đã chính thức bãi bỏ tết từ lâu, thế mà tới tận năm 1975 nghĩa là vài tháng trước khi sụp đổ Nam Việt Nam vẫn còn ăn tết to nếu không cả tháng giêng thì cũng phải đến vài ba tuần sửa soạn và một tuần ăn tết. Có điều lần này phải đổi cung cách:
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng năm sang Mỹ
    Tháng ba luận bàn
    (bài này được kết vào tháng ba)
  
     25. Nhiều người nói dân Việt Nam nặng tinh thần nhẹ vật chất. Đó là câu nói trúng, nếu cần đưa chứng tích thì tết chính là một bằng chứng cụ thể nhất. Mỹ cũng phải chào thua cái tết của Việt Nam, nó uy linh đồ sộ lắm lắm. Vì thế tết còn là lý chứng hùng hồn cho tâm linh sử quan tức không phải chỉ có hạ tầng mới chỉ huy nổi thượng tầng. Vì nếu chỉ có thế thì Việt Nam đã phải bãi bỏ tết từ lâu lắm rồi. Bởi chưng là miền nghèo lại hay bị loạn lạc.
  
    26. Thế tại sao ở đây lại còn giữ được tết lâu nhất, thì đó là đấu thượng tầng văn hóa chỉ huy hạ tầng, Và đã như vậy từ lâu lắm như thấy diễn tả trên mặt trống đồng. Trong ấy con người múa nhảy thanh thoát như chim. Muôn vật cũng hòa nhịp trong  bài ca vũ trụ. Nói vũ trụ vì gồm trời  đại diên cho mặt trời, và đất biểu thị bằng những vòng vũ tả nhậm. Tất cả xuất hiện thanh thản an nhiên như chim. Chim đủ loại: Lạc, Hạc, Vụ, Hồng, Địch. Cái chi cũng chim. Chày giã gạo cũng được trang bị lông chim để nói lên một cảnh tiêu dao siêu thoát khiến người xem nào cũng muốn bay bổng lên cùng. Sao mà an nhiên tự tại như cảnh địa đường vậy chứ. Có phải tại Việt Nam giầu nhất chăng? Đâu có, nghèo hơn Mỹ ít nhất 50 lần. Vậy mà tại sao Mỹ không có nổi được cái tết dài. Tại sao bên các xã hội giàu mạnh hơn, tết lại teo đi theo độ giàu thịnh.
   
     27. Đây là câu hỏi rất đáng cho chúng ta suy nghĩ bởi vì hậu quả sẽ là tìm ra bí quyết sống thanh thoát như chim; làm ít ca hát nhiều, suốt đời bay nhảy. Còn ngược lại sẽ là sống như đoàn kiến lật quật cả ngày, khuân vác liên tục không có lấy một chút thì giờ ngửa mặt lên kiểu nông nghiệp của tổ tiên ta:
    "Người ta đi cấy lấy công
    Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề
    Trông trời trông nước trông mây"...
    Không chỉ biết có lợi hành bằng lấy công mà còn an hành biểu thị bằng trông trời mây nước Có vậy lòng mới mở ra man mác như vũ trụ. Có vậy mới đủ sức kiến tạo được một triết lý an hành với một nhịp làm rồi một nhịp chơi xen kẽ, và duy trì được như thể trải qua muôn thế hệ. Đâu là bí quyết của sự vụ? Đã biết điều kiện vật chất của tết nhất hội hè là sự dư dật thừa thãi. Tại sao Việt Nam không có thừa của mà còn giữ được tết nhất lâu dài như vậy? Câu thưa tiên thiên nằm trong thành ngữ 'vài ba" mà ý nghĩa là đặt tinh thần trên vật chất. Nếu ta mở sách năm châu kim cổ thì chẳng thiếu những câu nói như thế (tinh thần hơn vật chất) chứ chẳng riêng gì Việt Nam, nhưng có một điều lạ, là tuy lời nói thì có đặt tinh thần trên vật chất, nhưng trong cơ chế thì rõ rệt là để hạ tầng cơ sở chỉ huy thượng tầng. Cho nên lại phải tìm thêm nữa.

28. Lúc ấy ta sẽ thấy một sự khác biệt biểu lộ bằng chữ Trống: Tâm hồn có trống rỗng thì chiều kích vô biên mới được nuôi dưỡng. Đó là phương thức đáp ứng nhu yếu thâm sâu hơn hết của con người đó là sự đói khát vô biên. Phải nói ngay đây chính là nền tảng làm cho con người cao cả hơn con vật. Con vật chỉ ăn những vật hữu hạn. Con người không thế, ngoài của ăn hữu hạn còn cần của ăn vô hạn, chứng tỏ nó có một chiều kích vô biên cần được nuôi dưỡng. Chính chiều kích đó làm cho con người khác thú vật ở chỗ muốn vượt xa khỏi hữu hình, mà bao lâu chưa vượt được thì con người vẫn chưa mãn nguyện, vì thế cứ phải tìm thêm hoài, tích lũy mãi mãi. Đó là lý do gây nên sự đói vô biên, là cái sẽ đọa ra lòng tham vô đáy. Làm thế nào để thỏa mãn lòng tham vô đáy nọ. Như đã nói chỉ có con đường duy nhất là trống rỗng, là vô thanh vô xú ... Nhưng cho tới nay con người đều đi lối bít kín, đi lối chắc nịch: lối có, mà đã có thì đối tượng phải ở bên ngoài con người mất rồi và vì vậy không còn là vô biên, không thể làm no lòng khát cái vô biên của con người. Thế là đói bên trong, đói cái vô biên, mà lại tìm chất nuôi bên ngoài, chất nuôi hữu hạn, khác nhau chỗ đó. Chính vì vậy ... không bao giờ đạt được đức quả dục mà khẩu hiệu của nó là câu nói trong Đạo Đức kinh:
    "Tri túc tiện thị túc
    Tri nhàn tiện thị nhàn"
    "Biết đủ tức có đủ
    Biết nhàn tức có nhàn"
    Có biết đủ mới bỏ thời giờ ra hưởng nhàn như ăn tết, hội hè. Có biết đủ những người giàu mới sẵn sàng bỏ tiền của ra tổ chức đình đám cho mọi người cùng hưởng. Đó là về tư nhân.
   
    29. Về phía chính quyền có tri túc mới đủ can đảm hiện thực chế độ quân phân tài sản, để đáp ứng nhu yếu đầu tiên của mọi người là ăn. Tết nhất hội hè chỉ có chỗ đứng nơi nào con người có đủ ăn, dư ăn. Bí quyết của Việt Nam nằm chỗ đó: tài sản ít nhưng cố theo chính sách chia đều. Tuy trong thực tế còn rất xa lý tưởng, dù vậy đã có được nền tảng cho sự dư dật đồng đều tức cũng là có nền cho hội hè đình đám. Vậy nên sự có hội hè đình đám chứng tỏ triết lý Việt Nho đã đi đúng hướng tâm linh, nên làm no thỏa được "nhân dục vô nhai" rồi. Con đường ấy tóm vào "ba hồi trống thu không" bao giờ cũng được đánh lên để khai mạc mỗi cuộc hội hè đình đám.
   
    30. Tóm lại, muốn có hội hè đình đám phải có quân phân, muốn có quân phân thì phải có triết lý an vi hướng dẫn. Con người không những có cưỡng hành, lợi hành, mà còn cần an hành. Muốn được như vậy phải biết cách lấp được lòng tham vô đáy. Nhưng cho tới nay người ta không lấp được: tư bản hay cộng sản cũng thế. Cả hai đi theo nguyên lý đồng nhất nên dùng A lấp A. Tham của thì dùng của mà lấp. Nhưng của có hạn mà lòng tham vô đáy lấp sao nổi. Thế là từ đấy mọi người trong nước đều phải làm hùng hục để tích lũy, không còn thì giờ để nghỉ ngơi, hay nếu có nghỉ thì chỉ là để lấy sức đặng lao động tốt nữa, làm sao có được những chiều kích siêu việt của tết nhất hội hè. Làm sao có được như thế với cái triết lý lao động hiện đại nặc mùi xú khí của lao ngục, lao tù, lao đao, lao khổ, lao phổi, lao tim!
    Với bi trạng lao tác kiểu đó thì đời con người với kiếp trâu ngựa có còn khác chi đâu, thua hẳn loài chim, cả đời bay nhảy múa hát. Ngược lại, nhờ có triết lý an vi đã xuất hiện với muôn tiếng chim hát đón chào mà tiên tổ Việt tộc đã có thể sống an nhiên thanh thoát như được ghi lại trên mặt trống đồng Ngọc Lữ ca vũ ngút ngàn.  

 

Xem tiếp ....




Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Phong Thái An Vi
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến di sản văn hóa của Việt tộc