Đừng
đi tìm cái anh muốn thấy. Việc làm đó
vô ích.
Không đi tìm, nhưng cho phép cái thấy tự
đến, cái thấy ấy sẽ
giải phóng được cho anh.
- nhất hạnh-
Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăncho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Công án là một vấn nạn cần phải giải quyết bằng niệm, định và tuệ chứ không thể chỉ bằng trí năng của ta. Nếu chưa giải quyết được thì mình chưa có hướng đi, chưa có an lạc và hạnh phúc. Công án này có thể được tham cứu chung, nhưng cũng có thể được tham cứu riêng. Công án là một mũi tên cắm vào thân thể ta, chưa rút được mũi tên ra thì chưa có an lạc. Mũi tên này không phải từ bên ngoài bay tới. Nó không phải là một tai nạn mà là một cơ hội để ta quán chiếu và vượt thoát được những băn khoăn trăn trở của ta lâu nay về ý nghĩa cuộc đời, về tương lai đất nước, về hạnh phúc chân thật của ta.
Vua Trần Thái Tông ngày
xưa đã từng tu Thiền, đã từng tham khảo công
án và vua cũng đã đưa ra bốn mươi công
án Thiền với các bài Niêm, Tụng và Kệ
để mời các bạn tu cùng tham khảo tại chùa
Chân Giáo. Những công án này
còn được ghi lại trong sách Khóa Hư
Lục do vua sáng tác. Tuệ Trung Thượng Sĩ
Trần Tung, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, cũng đã từng tham
khảo công án, và cũng đã đề ra mười ba
công án, những công án này cũng
còn được ghi lại trong sách Tuệ Trung Thượng
Sĩ Ngữ Lục.
Sách Bích Nham Lục do thiền sư
Viên Ngộ biên soạn vào thế kỷ mười hai có cả
thảy 100 công án thiền với những lời Thùy thị,
Bình xướng và Trước ngữ, là một tác phẩm cổ
điển được sử dụng trong nhiều trăm năm ở chốn thiền môn.
Trong số các công án phổ thông nhất có
các công án “Cây tùng trước
sân”, “Cái tất cả đi về cái một, cái một đi
về đâu?”, “Con chó có Phật tính
không?” và “Ai đang niệm Phật?”. Công án
hào hùng nhất mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đưa ra
là “ Tất cả đều vô thường, đều là pháp sinh
diệt. Cái gì sinh diệt?”
Công án không thể được giải quyết bằng lý
luận, bằng biện chứng pháp, dù là biện chứng
pháp duy tâm hay duy vật, mà phải được giải quyết
bằng niệm lực và định lực, nghĩa là bằng năng lượng của
chánh niệm và chánh định. Giải được công
án thì ta thấy khỏe, không còn lo sợ thắc
mắc gì nữa, là thấy được con đường đi, là đạt được
sự an tâm.
Nếu nghĩ rằng con chó có Phật tính hay không
là một vấn đề của riêng con chó, hoặc nghĩ
đó là một vấn đề triết học cần phải giải quyết,
thì đó chưa phải là một công án. Nếu
nghĩ rằng cái một đi về đâu là một vấn đề chỉ
liên hệ tới sự vận hành của thế giới khách quan
bên ngoài thì đó cũng không phải
là một công án. Nếu nghĩ rằng Bát Nhã
là vấn đề của 400 tu sinh đang gặp khó khăn, đang cần một
giải pháp “hợp tình hợp lý” thì đó
cũng không phải là một công án. Chỉ khi
nào thấy rằng Bát Nhã là vấn đề
chính của bản thân ta, nó có liên hệ
trực tiếp đến hạnh phúc, đau khổ của ta, của tương lai ta
và tương lai đất nước dân tộc ta, và chừng
nào chưa giải quyết được công án Bát
Nhã thì ta còn ngủ không yên, ăn
không yên, làm việc không yên,
thì lúc ấy Bát Nhã mới thực sự là
một công án. Niệm có
nghĩa là nhớ tưởng, là canh cánh bên
lòng, là nâng công án lên từng
giây từng phút trong đời sống hàng ngày của
mình để quán chiếu, không phút giây
nào xao lãng. Niệm phải
liên tục không được gián đoạn. Khi ăn cơm, khi mặc
áo, khi tiểu tiện hoặc đại tiện, khi uống trà, khi tắm
gội, hành giả phải đưa công án lên để
mà quán chiếu. Công án có khi
còn gọi là thoại đầu. Phật là ai mà ta phải
niệm, và người đang niệm Phật, người ấy là ai? Ta
là ai? Phải tìm cho ra. Chưa tìm ra là chưa
vỡ vạc, chưa chứng ngộ, chưa thông suốt.
***
Những vị xuất gia trong Tăng
thân Bát Nhã chắc hẳn là
những người có cơ hội nâng công án
Bát Nhã lên cứu xét nhiều nhất trong đời
sống hàng ngày. Ngày nào họ cũng ngồi thiền
nhiều lần, đi thiền hành nhiều lần, và trong khi nấu cơm,
giặt áo, lặt rau, quét tước, v.v., lúc nào
họ cũng có cơ hội tham cứu về công án Bát
Nhã. Họ có niệm và họ có định dễ
dàng hơn, vì đó là vấn đề sống chết, vấn đề
lý tưởng, vấn đề tương lai của họ. Và có
người đã quán chiếu thành công, vì
vậy ở trong một tình trạng bị đàn áp và
khủng bố thường xuyên như thế mà có những người
trong số họ vẫn cười dòn được, vẫn tươi như hoa, vẫn chế
tác được bình an và tình thương, vẫn
không bị lo lắng sợ hãi và hận thù lôi
kéo; trong khi đó thì những vị khác
còn mang nặng chấn thương và những thống khổ gây
nên trong những ngày Bát Nhã và Phước
Huệ bị đánh phá. Một sư cô đã làm
được bài kiến giải để trình lên thầy của
mình. Cô viết: “Bát Nhã ngày xưa, nay
đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nẩy hạt Bồ đề.” Sư
cô này chỉ khoảng 18 tuổi, và mới tu chưa đầy hai
năm, nhưng đã quán chiếu thành công.
Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta
không cho mình tu? Tại sao các bậc tôn
túc muốn che chở bảo lãnh cho mình tu mà
nhà nước lại không cho bảo lãnh? Mình
có biết chính trị là cái gì
đâu và chẳng tha thiết gì tới chuyện chính
trị, tại sao người ta cứ nói là mình làm
chính trị và tại sao cứ nói Bát Nhã
là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia? Tại sao phải giải tán cho được
Bát Nhã dù phải áp dụng những biện
pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh
đập, đe dọa? Tại sao họ là những người đáng bậc cha
chú mình mà họ nỡ làm như thế đối với
mình? Nếu nhà nước không cho mình tu chung
như một Tăng thân nữa mà bắt mình phải mỗi người đi
một ngả thì làm sao trong tương lai mình có
thể có lại một Tăng thân? Tại sao ở các nước
khác người ta có tự do để thực tập pháp môn,
còn ở đây thì không? Những câu hỏi như
thế dồn dập đi tới. Ngồi thiền, đi thiền hành, nghe pháp
thoại, thực tập chánh niệm trong khi nấu cơm, làm vườn,
chấp tác, người hành giả nuôi niệm lực và
định lực. Niệm và định lực ấy như sức nóng của lửa
làm tan rã tất cả những dấu hỏi, những vấn nạn.
Bát Nhã ngày xưa là hạnh phúc.
Mình đã được sống rất thật với chính mình,
với cách sống mà mình muốn sống. Mình
có thể nói ra những cảm nghĩ của mình cho
các anh chị em đồng tu mà không e ngại sợ sệt.
Mình đã tìm ra được tình huynh đệ.
Mình có cơ hội đem tuổi trẻ của mình để
giúp đời. Đó là hạnh phúc lớn nhất.
Bát Nhã trong những ngày qua cũng đã từng
là một cơn ác mộng, nhưng ta đã có cơ
duyên tìm thấy ta rồi, ta đã tìm được con
đường rồi, thì dù có Bát Nhã hay
không có Bát Nhã ta vẫn không cần lo
sợ. Bát Nhã đã trở thành một cơn mưa,
đã mưa xuống làm cho hạt giống kim cương nẩy mầm trong
ta. Ngày mai dù không có Bát
Nhã, dù bị đuổi ra khỏi Phước Huệ, nhưng hạt giống Bồ đề
trong ta vẫn không bao giờ mất. Thầy đã dạy mỗi đứa con
thầy phải trở thành một Bát Nhã, một Phương Bối.
Mình là sự tiếp nối của thầy, chắc chắn mình sẽ
tạo dựng được trong tương lai những Bát Nhã mới, những
Phương Bối mới. Đã có hạt giống rồi, đã có
đường đi rồi, mình không còn lo sợ cho tương lai,
tương lai của mình và của đất nước. Những người cấm cản
mình tu học hôm nay, ngày mai mình sẽ
có cơ hội độ cho họ. Họ chưa có cái thấy
bây giờ, nhưng sau này họ sẽ có cái
thấy ấy. Một số trong những người đã từng đàn
áp, đã từng làm khổ mình, bây giờ
cũng đã hé thấy được sự thật rồi. Thành kiến
và tri giác sai lầm như bức tường Bá Linh đang
rã ra từ từ và sẽ sụp đổ. Mình không lo
ngại, không tuyệt vọng. Mình có thể cười vang như
nắng sớm.
***
Mình là một vị đại úy công an. Ban đầu mình tin rằng nếu cấp trên đã có chính sách giải tán Bát Nhã thì chắc chắn là chủ trương này phù hợp với nhu cầu an ninh của đất nước. Mình có niềm tin nơi lãnh đạo. Nhưng trong quá trình thực hiện chính sách, mình đã khám phá ra nhiều việc đau lòng. Bát Nhã đã trở thành công án của đời mình. Mình mất ăn, mất ngủ. Giữa đêm mình thức dậy. Mình tự hỏi nhóm người này đã làm gì để mình phải nhìn họ như là những phần tử phản động, có hại cho an ninh. Họ có vẻ rất bình an; chính mình mới không có đủ bình an trong lòng. Không có bình an trong lòng, mình làm sao giữ gìn và thiết lập được sự bình an trong xã hội? Trên phương diện luật pháp, họ không có tội tình gì cả. Sự thực là mình đã đứng về phía những người muốn chiếm hữu tài sản của họ, buộc họ phải rời nơi mà họ đã cư trú trong nhiều năm, nơi mà cơ sở đã do chính họ góp phần tạo dựng. Mình đã làm đủ mọi cách để cho họ đi, nhưng họ đã nhất định không chịu đi. Họ có vẻ thương yêu nhau, đoàn kết với nhau. Họ sống một đời sống lành mạnh. Tuy họ trẻ tuổi, nhưng không ai rơi vào vòng ma túy, hút xách, đĩ điếm. Họ sống đơn giản, ăn chay, ngồi thiền, nghe kinh, pháp đàm, hoàn toàn bất bạo động. Họ không có vẻ gì là nguy hiểm. Họ không hề có một lời nói hoặc hành động nào chống báng nhà nước. Mình không thể nói là họ phản động, là họ làm chính trị được. Vậy mà cuối cùng mình phải nói họ là phản động, là làm chính trị. Mình đã tìm mọi cách để cho họ bỏ đi: dụ dỗ, dọa nạt, cúp điện nước, kiểm soát hộ khẩu mỗi ngày, và trong suốt nhiều tháng lúc nào cũng tới chùa vào ban đêm để sách nhiễu họ, để họ nản lòng. Họ đã không trách móc, họ lại còn mời mình ngồi lại, hát cho mình nghe và đòi chụp ảnh với mình nữa. Cuối cùng mình phải thuê côn đồ tới để phá phách, để đánh đập, để buộc họ ra đi. Và mình cũng phải mặc thường phục đến để chỉ huy, để chỉ cho người mình thuê biết ai là những người dẫn đầu để mà thanh toán. Họ không chống trả. Vũ khí của họ chỉ là niệm Phật, ngồi thiền, và nắm lấy tay nhau, để mình không thể gỡ họ ra từng người mà tống lên xe được. Có cả một vị thiếu tướng từ trung ương vào để chỉ huy trận đánh. Tại sao phải huy động một lực lượng hùng hậu như thế, từ trung ương đến địa phương, để đánh dẹp một nhóm người tay không hiền lành như thế? Tại sao hơn một năm trời mà không dẹp được họ? Họ có gì để phải bám víu vào cái chùa này? Chỉ có ngày hai bữa cơm chay, chỉ có ngày ba buổi ngồi thiền, một buổi pháp thoại, một buổi thiền hành? Tại sao đông như thế, trẻ như thế mà họ sống chung với nhau an lành được như thế? Trong bọn họ có những đứa tốt nghiệp đại học, con của cán bộ cấp cao, có việc làm, có lương cao, nhưng đã bỏ tất cả để đến sống đời đạm bạc tu hành. Phải có một cái gì hay ho lắm mới hấp dẫn được họ như thế chứ? Đâu có thể nói là chỉ vì họ nghe lời đường mật của một người nào đó sống ở nước ngoài, để chống lại nhà nước ta? Bởi vì lệnh trên đã đưa ra, mình phải thừa hành thôi, nhưng mình rất hổ thẹn với lương tâm mình. Trước kia, mình đã nghĩ là những thủ đoạn ấy chỉ để sử dụng tạm thời vì nước vì dân, vì sự nghiệp đại đoàn kết. Nhưng bây giờ mình đã thấy những thủ đoạn ấy là gian trá, là thấp hèn, là trái với lương tâm con người. Mình bắt buộc phải giữ những cảm nghĩ này cho riêng mình. Mình không dám nói cảm nghĩ ấy ra dù với những người trong cùng đơn vị, huống hồ là nói với cấp trên. Mình đi tới cũng không được, mà tìm cách thoát khỏi guồng máy cũng không xong. Phải làm thế nào đây để mình có thể sống thật được với chính mình?
***
Mình thuộc hàng
giáo phẩm của Giáo Hội. Bát
Nhã đã trở thành một trăn trở lớn. Những người tu
trẻ ấy, mình biết là họ có tu thật. Ai
đã từng thăm viếng và tiếp xúc với họ đều thấy như
thế. Nhưng tại sao mình bất lực không che chở được cho họ?
Tại sao mình phải sống và hành xử như một
nhân viên của chính quyền? Tách rời
chính trị khỏi tôn giáo, giấc mơ này đến bao
giờ mới thực hiện được? Trong thời Thực dân, trong thời ông
Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có
khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm
soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta
chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng,
người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng
lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc
dân. Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh
thần, người ta rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức
Giáo Hội mà người ta có thể kiểm soát được,
sai sử được. Ngày xưa đức Thế Tôn cũng đã
không chịu khuất phục trước bạo quyền, kể cả bạo quyền của vua A
Xà Thế. Trong thời Pháp thuộc, trong thời ông Diệm,
ông Kỳ và ông Thiệu, các bậc cha anh của
mình cũng đã tranh đấu. Tại sao bây giờ mình
không tiếp nối được công hạnh ấy, tại sao mình phải
chấp nhận vai trò làm công cụ cho một đường lối
chính trị không muốn cho phép mình vươn dậy
trên con đường lý tưởng, thực hiện hoài bão
cao cả của bồ đề tâm?
Ban đầu mình nghĩ rằng bó thân theo nhà nước
thì còn có cơ hội làm được một ít
“Phật sự”, còn nếu chống nhà nước thì hoàn
toàn là sẽ không làm được gì, do
đó mình đã phải ẩn nhẫn chịu đựng mọi chê
trách của các bạn đồng liêu để đi vào guồng
máy. Nhưng sau đó mình lại thấy rất rõ
ràng rằng chính nhờ các vị ở ngoài
Giáo Hội có can đảm nói lên tiếng nói
phản kháng cho nên người ta mới để cho mình
làm được một ít công việc Phật sự. Mình sẽ
trả lời như thế nào với lịch sử? Ý nguyện của mình
là vực dậy một nền Phật giáo sinh động có
công năng phục vụ dân tộc và đất nước, không
phải là chiếm giữ một chức vụ trong guồng máy kiểm
soát Phật tử.
Vị thượng tọa kia bị áp lực không cho phép được
tiếp tục bảo lãnh cho các tăng sinh tiếp tục tu học tại
chùa, không đủ sức kháng cự, phải buộc lòng
phản thầy, phản bạn, đi ngược lại lời nguyền và sự cam kết long
trọng của mình cách đây chỉ có mấy năm. Tội
nghiệp cho vị ấy. Nhưng vị ấy là ai? Vị ấy có mặt
ngoài mình hay có mặt ngay trong tự thân
mình ? Mình cũng đang bị áp lực, không
dám nói và làm những gì mình
nghĩ để có thể bảo hộ cho con em của chính mình.
Có phải hoài bão sâu sắc của mình
là “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”? Vậy
mà vì cớ gì mình đành phải bất lực
nhìn các học tăng, học ni con em của mình bị
đàn áp, nhục mạ và chà đạp? Mình sẽ
nhìn con cháu mình bằng mặt mũi nào?
Chân diện mục của mình là gì? Mình
là ai?
Mình là huynh đệ với nhau, cùng là đệ tử
của đức Thế Tôn, nhưng có phải vì công phu
thực tập xây dựng tình huynh đệ của mình chưa đủ
vững chắc, cho nên mình mới bị người ta chia rẽ và
kết quả là mình đã giận hờn nhau, trách
móc nhau? Theo nguyên lý thị hiện của dạy
thì đáng lý dù theo Giáo Hội
này hay Giáo Hội kia, mình cũng vẫn là anh
em của nhau, bên nào làm việc bên ấy
mà không cần phải chống đối nhau và xem nhau như
thù nghịch. Đó phải chăng là vì sự thực tập
của mình còn yếu kém? Đó phải chăng
là vì đạo lực của mình chưa đủ cao cường? Nhưng
mình đã học được bài học: nếu ngay tự bây
giờ mình biết nhìn nhận nhau, hòa giải với nhau
thì mình vẫn có thể vực dậy tình huynh đệ
ngày xưa, gây niềm tin cho quốc dân và
làm gương cho bốn chúng. Dù có trễ nhưng
vẫn còn kịp thời. Chỉ cần một giây phút giác
ngộ là tình trạng đạo pháp sẽ thay đổi.
Hình như Bát Nhã ngày nay đã học
được bài học ấy: những vị xuất gia tu học ở đây, số lượng
có cả đến 400 vị, nhưng khi bị đánh đuổi họ đã
không bao giờ tỏ vẻ thù hận vị thượng tọa đã từng
cưu mang họ trong bao nhiêu năm. Họ biết rằng vị thượng tọa ấy
vì chịu áp lực rất nặng nên đã bị bắt buộc
phải mời họ ra khỏi chùa. Mình bị dồn vào
phía phải phản bội huynh đệ mình, đó là
vì pháp lực của mình chưa tới mức cao cường.
Mình phải quyết tâm hạ thủ công phu thế nào
để đạt cho được mức đạo lực ấy? Có hiểu mới có thương.
Mà đã thương thì sẽ không còn xem
nhau như là thù nghịch. Xem nhau như là thù
nghịch tức là còn làm nạn nhân cho những
âm mưu chia rẽ.
Người Phật tử Việt Nam, từ hai ngàn năm nay, thời nào
cũng thuần kính tôn ngưỡng Tam Bảo, một lòng quy
ngưỡng Phật, Pháp và Tăng. Vậy mà bây giờ
có những nhóm người được thuê mướn, mang guốc
dép đi vào Phật điện giăng biểu ngữ, chửi bới, ném
phân thối vào chư vị tôn túc, đập phá
chùa, hành hung, đánh đuổi các thầy
và các sư cô ra khỏi chùa. Các
viên chức chính quyền đã thuê mướn họ,
nói họ là Phật tử. Đó là một hành
động vu cáo Phật giáo, bôi bẩn lịch sử. Hành
động này làm cho mình muốn nôn mửa, nhưng
tại sao mình không dám nói lên ?
Giáo hội Phật giáo có khả năng minh oan cho người
Phật tử khi người Phật tử bị bôi xấu và bị vu oan
giá họa không ?
Bát Nhã không phải là một vấn đề mà
ban Thường Trực Giáo Hội phải giải quyết cho xong. Bát
Nhã là một công án, một vấn nạn của đời
mình. Mình sẽ phải giải quyết như thế nào để đừng
hổ thẹn với chư vị tổ sư, với những bậc tiền bối? Tại sao mình
không nói được cảm nghĩ chân thành của
mình với các vị đồng liêu trong guồng máy
Giáo Hội? Tại sao mình không được phép thực
tập phép Kiến hòa đồng giải, mà phải che dấu tư
tưởng và cảm nghĩ của mình?
***
Mình là một thành phần của Ban Tuyên
Giáo Trung Ương, một ủy viên Bộ Chính Trị hay một
ủy viên Trung Ương Đảng. Bát Nhã
là cơ hội để mình quán chiếu sự thật và
tìm ra được bình an trong tâm mình.
Không có bình an thì làm sao
có hạnh phúc. Mà làm sao để có
bình an khi mình chưa thực sự tin vào con đường
mà mình đang đi, và nhất là không
có niềm tin nơi những người được xem như là bạn đồng
hành? Có phải là mình đang cùng ngủ
chung trên một chiếc giường, nhưng mỗi người đều có
riêng một giấc mộng? Tại sao mình không chia sẻ
những cái ưu tư và cái cảm nghĩ của mình
với những người mà mình gọi là đồng chí,
có phải vì mình sợ bị lên án
là đánh mất lập trường? Tại sao tất cả mọi người đều
cùng nói như nhau về cái ấy, trong khi không
một ai thật sự tin vào cái ấy, cũng giống như trong một
câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen, tất cả
các quan trong triều đều khen là vua đang mặc một
cái áo rất đẹp, trong khi đó thật sự vua đang ở
trần?
Giấc
mộng đẹp nhất là hạnh phúc của mình được
hòa làm một với hạnh phúc của quê hương.
Cây có cội, nước có nguồn, quê hương
có cội nguồn tuệ giác và tâm linh của
nó. Đời Lý là một đời thuần từ nhất trong lịch sử
đất nước. Đời Trần dân tộc hùng mạnh, đoàn kết, dư
sức đẩy lùi những cuộc xâm chiếm của phương Bắc. Đó
là nhờ công trình giáo hóa của đạo
Phật, một con đường tâm linh có đặc tính khoan
dung, có thể chấp nhận và đi song hành với
các tư trào tâm linh và đạo đức khác
như Lão học và Khổng học để cùng xây dựng
đất nước mà không có nhu yếu phải loại trừ ai.
Mình có duyên học hỏi, mình biết rằng đạo
Phật không phải là một tôn giáo thần quyền,
mà là một chủ nghĩa nhân bản rất là vững
chãi. Đạo Phật có tinh thần cởi mở và phá
chấp, nghĩa là tinh thần khoa học, và trong thế kỷ mới,
đạo Phật có thể đi song hành thoải mái với khoa
học. Khoa học đây là tinh thần khoa học, thái độ
sẵn sàng buông bỏ cái thấy cũ để có cơ hội
đạt tới cái thấy mới. Khoa học mới đã vượt xa khoa học
cũ, nhất là trong lĩnh vực vật lý vi mô. Cái
mà ta cho là khoa học ngày xưa bây giờ
có còn là khoa học nữa không? Tâm
và vật chỉ là hai mặt biểu hiện của cùng một thực
tại: cái này ôm lấy cái kia, cái
này dựa trên cái kia mà biểu hiện. Khoa học
hiện đại đang nỗ lực vượt thoát lối tư duy nhị nguyên như
tâm và vật, trong và ngoài, chủ thể
và đối tượng, thời gian và không gian, vật thể
và tốc độ, v.v.. Khi còn vướng bận những phiền não
như giận hờn, lo lắng, đam mê và kỳ thị thì
tâm chưa thể nào có đủ niệm và định để
phát kiến được sự thực dù ta đang có những dụng cụ
máy móc tinh vi nhất. Bởi vì đằng sau máy
móc còn có tâm quan sát.
Hình như ta đã biết sở dĩ toàn dân
kiên trì yểm trợ cho cách mạng đó là
vì lòng yêu nước chứ không phải là
vì một chủ nghĩa. Nếu không dựa vào lòng
yêu nước của nhân dân mà chỉ biết thờ phụng
một chủ nghĩa thì chắc chắn ta đã thất bại. Đọc lại lịch
sử, ta đã thấy rằng vì thái độ vồ vập và
cuồng tín vào chủ nghĩa, nên đã có
những thanh toán lẫn nhau trong đoàn ngũ kháng
chiến ; những vết thương ấy của dân tộc mãi cho đến
bây giờ vẫn chưa được chữa lành.
Ta thử hỏi : đứng về phương diện đấu tranh giai cấp mà
nói, thì hiện thời giai cấp nào đang thực sự nắm
quyền cai trị ? Giai cấp vô sản hay giai cấp tư bản ? Ta
có đang tin rằng, tư bản nhân dân là một
chuyện có thật, hay đó chỉ là một diễm từ ?
Ta biết nếu muốn thành công, ý Đảng phải đi theo
với lòng Dân. Lòng dân là muốn cho người
tu được phép tu tập và giúp đời theo cách
họ muốn, trong khuôn khổ của pháp luật. Lòng
dân là muốn cho mọi người công dân ai cũng
có cơ hội được nói lên cái thấy cái
nghĩ của mình mà không sợ bị trừng phạt, đe dọa
và tù tội. Lòng dân là muốn
tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị
và chính trị ra khỏi tôn giáo. Lòng
dân mà được thỏa thì tự nhiên có sự
đoàn kết và Đảng sẽ được ủng hộ. Đảng không cần
phải hô hào đoàn kết và kêu gọi sự yểm
trợ nữa, một khi Đảng đã có được lòng dân.
Lòng Dân như thế, ý Đảng thế nào?
Ta biết tinh thần khoan dung của đạo Phật đời Lý và đời
Trần đã đem lại sự đoàn kết đích thực của
toàn dân, vì theo tinh thần ấy tất cả mọi người
yêu nước đều có cơ hội góp phần vào
công trình xây dựng và bảo vệ đất nước
mà không ai bị loại bỏ ra ngoài. Tinh thần dung hợp
không kỳ thị ấy trong đạo Phật gọi là xả, một trong bốn
đứcVô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ và xả.
Đó là một di sản tinh thần quý báu trong
kho tàng văn hóa dân tộc. Ta biết được rằng trong
các đời Lý và đời Trần, những người làm
chính trị đều tu tập theo đạo Phật cùng với dân
chúng, vua cũng giữ giới, ăn chay, làm việc thiện,
vì vậy đã được dân chúng trong nước tin cậy.
Làm sao bài trừ được những tệ nạn xã hội như ma
túy, đĩ điếm, cờ bạc, bạo hành, tham nhũng, lạm quyền,
v.v. khi chính những viên chức nhà nước có
phận sự bài trừ tệ nạn cũng đang bị vướng vào những tệ
nạn ấy? Quốc sách thôn ấp văn hóa, khu phố văn
hóa làm sao thành công được chỉ với sự kiểm
soát và trừng phạt suông? Ai là người cần
được kiểm soát và trừng phạt trước hết?
Ta biết rằng gia đình nào có tu tập có giữ
giới là gia đình ấy có an vui và có
hạnh phúc. Đạo Phật trong hai ngàn năm qua đã
giáo hóa dân chúng giữ gìn phong
hóa bằng cách thực tập ăn chay giữ giới. Ăn chay tượng
trưng cho sự tiết dục, nghĩa là giảm bớt dục vọng. Người Phật tử
tự nguyện ăn chay, giữ giới và làm việc nhân đức
chứ không bị ai bắt ép làm việc ấy, cũng như
không ai bị trừng phạt vì không làm việc ấy.
Bây giờ đây những người tu trẻ đang có chí
hướng vực dậy nếp sống phong hóa ấy và họ đang có
triển vọng thành công, thế thì tại sao ta lại
đánh dẹp họ? Ta sợ họ có quần chúng thì ta
mất quần chúng hay sao? Tại sao ta không phát
tâm tu học như họ, đồng nhất với họ, để có được sự hưởng
ứng và yểm trợ của họ? Tại sao ta không làm được
như các vua đời Lý và đời Trần? Hay tại vì
ta là người Mác-xít, ta không có
quyền quy y, ăn chay và giữ giới?
Ta biết trong Đảng và trong chính quyền hiện giờ nhiều
người đã nói rằng họ đang có một cái
nhìn thông thoáng hơn về các vấn đề
tôn giáo và tâm linh. Sự thực là
các ông lớn bây giờ ai cũng có tin vào
phong thủy, vào vận mạng, vào ngoại cảm, vào đổi
mạng. Điều này chứng tỏ từ một thái cực này người
ta đã đi sang thái cực khác. Trong khi đó
người ta vẫn cố gắng giữ để cho bề ngoài mình không
có vẻ mê tín dị đoan.
Các vua Lý và vua Trần đã thực sự tin tưởng
ở con đường đạo đức tâm linh, do đó nhiều vị đã
sống được nếp sống đạo đức gương mẫu, và có thể vì
vậy cho nên dân mới làm theo. Một ông vua giữ
giới, ăn chay, gửi chăn chiếu vào các nhà
tù để cho tù nhân bớt khổ vì cái
lạnh, đi vi hành để thấy được nếp sống thực sự và nguyện
vọng của người dân, một ông vua biết ngồi thiền, tham cứu
công án, thực tập sám hối một ngày
sáu thời, dịch kinh, biết nương vào đức độ và lời
khuyên dạy của một vị thiền sư mà mình tôn
quý như một vị quốc sư, một ông vua nhường ngôi cho
con để xuất gia tu hành khổ hạnh trên núi Yên
Tử, một ông vua như thế có thể làm gương đạo đức
cho cả nước. Ngày nay, ta hô hào vận động
cán bộ và quần chúng “học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng có được mấy ai
trong tổ chức ta đang sống được như một người gương mẫu cho các
đồng chí của mình? Đạo Phật Đại Thừa dạy: “Anh phải
là con người ấy. Anh phải làm gương mẫu. Anh phải sống
như thế thì anh mới gây cảm hứng cho người khác
sống như thế.” Ta biết tham nhũng và lạm quyền đã trở
thành một quốc nạn. Ta biết ta đã hô hào bao
nhiêu năm nhưng chẳng có kết quả gì và
tình trạng càng ngày càng trở nên
trầm trọng. Tại sao? Có phải tại vì ta chỉ biết dựa
vào hào quang của tiền nhân để tự hào, để
khoe khoang là ta có một quá khứ vẻ vang, nhưng
trong hiện tại, ta không làm được những gì
mà cha ông ta đã làm được trong quá
khứ? Rồi ngày nay nếu có những người trẻ tuổi đang
tìm cách làm việc ấy cho ta thì ta lại ngăn
cản và đàn áp họ?
Vụ Bát Nhã có thể đã bắt đầu bằng chuyện
làm ăn của một công ty du lịch do những người công
an chủ trương, liên hệ tới khách sạn và thị thực
nhập cảnh, rồi sau đó thêm vào sự lạm quyền
và thù oán để cuối cùng trở thành
một chủ trương mà nhà nước phải đi theo. Có thể ta
không có thì giờ xem xét mà chỉ tin
vội vào những báo cáo đặt điều. Rồi ta để cho
nhân viên dưới quyền sử dụng những biện pháp lừa
dối, gạt gẫm, đàn áp những người dân hiền
lành chưa từng gây ra một rối loạn nào cho
xã hội. Và cuối cùng ta bị đặt vào
cái thế phải xem là kẻ thù những gì theo
nguyên tắc ta đã từng muốn tôn quý. Kẻ
thù của ta có đích thực là những “thế lực
thù nghịch” bên ngoài hay không? Kẻ
thù ta nằm ngay nội bộ: những con ong mà ta nuôi
trong tay áo của ta. Liệu ta có đủ can đảm và
thông minh để đối trị với những yếu kém của chính
ta không, đó là câu tham vấn căn bản.
Pháp môn Làng Mai có thể là cơ hội
hiếm có để hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam, và
bốn năm hành trì ở Việt Nam hình như đã
chứng tỏ được khả năng của pháp môn ấy. Vậy thì tại
sao ta lại chịu áp lực của Trung Quốc để đàn áp
và tiêu hủy ngay một nguồn sinh lực quý báu
của ta ? Ta nhận được cái gì quý giá của
người khác trong khi ta bị tước đoạt cái quý
giá mà ta đang có?
Cách thức ăn mừng Một Ngàn Năm Thăng Long hay nhất
có thể là cùng nhau nỗ lực tu tập, làm được
và sống được như Lý Công Uẩn, như Trần Thái
Tông, như Trần Thánh Tông, như Trúc Lâm
Đại Sĩ, như Tuệ Trung Thượng Sĩ. Các vị ấy là những
nhà chính trị nhưng đồng thời cũng là những người
sống thật sự nếp sống tâm linh mà họ tin tưởng. Ta
có cái gì để tự hào, ngoài
cái quá khứ hào hùng của cha ông? Ta
đã đánh mất lý tưởng cách mạng, đã
làm tàn rụi ngọn lửa thiêng cách mạng,
và những người đồng chí của ta không thật sự
còn là những người đồng chí, bởi vì trong
họ ngọn lửa thiêng cách mạng đã tắt. Lý do
họ có mặt trong hàng ngũ là quyền lợi, danh vọng
và chỗ đứng của họ. Pháp môn thực tập Làng
Mai là một phần trong di sản văn hóa đất nước, hiện thời
đang có khả năng đóng góp đáng kể cho một
nền văn minh đạo đức toàn cầu, không phải chỉ trên
mặt lý luận mà quan yếu nhất là trên mặt
thực tế. Biết bao nhiêu người trên thế giới đã biết
đến và đã thừa hưởng được sự giáo hóa
này. Ta đã biết hãnh diện về nó, tại sao ta
lại để cho xảy ra chuyện đánh phá và triệt
tiêu nó ngay trong mảnh đất sinh thành ra
nó? Đó là những câu hỏi mà nếu ta để
cho chúng tác động trong phần sâu thẳm của
tâm thức ta thì chúng sẽ có thể làm
bật lên cái tuệ giác mà ta cần có để
thấy được con đường và cách hành xử mà ta
đang trông đợi.
***
Mình là một vị nguyên thủ quốc gia hoặc một vị bộ trưởng, nước mình có hay không có chân trong Hội Đồng Bảo An hay Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Mình biết các vụ như Bát Nhã, Tam Tòa, cũng như những vụ Thiên An Môn, Tây Tạng v.v.. đều là những vụ vi phạm trầm trọng về nhân quyền; nhưng vì quyền lợi quốc gia, vì muốn bán vũ khí, máy bay, xe lửa cao tốc, nhà máy điện lực nguyên tử, và những kỹ thuật mới khác, vì muốn hợp tác thương mãi đầu tư, muốn có thị trường tiêu thụ các hàng hóa khác mà mình sản xuất, cho nên mình đã không dám mạnh dạn lên tiếng và đi tới những quyết định có thể gây sức ép trên quốc gia liên hệ để họ sớm chấm dứt việc vi phạm nhân quyền trong nước họ. Mình cảm thấy hổ thẹn, lương tâm mình không an ổn. Nhưng vì muốn đảng và chính quyền mình thành công nên mình đành cam chịu nói rằng những vi phạm nhân quyền của các nước ấy cũng chưa đến nỗi nào. Mình cũng đang ở trong một guồng máy, mình chưa thật sự được là mình, vì mình đang không nói được cảm nghĩ và cái thấy chân thật của mình về tình trạng. Mình làm sao để có sự an tâm và không hổ thẹn với chính mình? Bát Nhã là một vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhưng cũng là một công án cho một nhà lãnh đạo chính trị cao cấp như mình. Làm sao để mình không bị lương tâm cắn rứt và thực sự có hạnh phúc ?
***
Công án Bát Nhã
là của mọi người, là của mỗi cá nhân
và cũng là của từng tập thể. Công án ấy
có thể được tham cứu bởi một vị tu sinh Bát Nhã,
một học tăng đang theo học tại một trường Trung Cấp Phật Học trong
nước, một vị Thượng Tọa trong Giáo Hội, một chú
Công an, một ông Bộ trưởng, một vị Linh mục Công
giáo, một vị Mục sư Tin lành, một ủy viên Bộ
Chính Trị, một vị chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân
Thành Phố, một bí thư Tỉnh Ủy, một ủy viên Trung
Ương Đảng, một nguyên thủ quốc gia, một chủ bút nhật
báo hay tạp chí, một nhà trí thức, một
nhà nghệ sĩ, một nhà doanh thương, một giáo chức,
một ký giả, một vị trú trì, một vị đại sứ.
Bát Nhã là một cơ hội, vì Bát
Nhã có thể giúp ta thấy được rõ ràng
những gì mà lâu nay ta chưa thấy hoặc chưa muốn
thấy.
Trong truyền thống Thiền, có những khóa tu bảy
ngày, hăm mốt ngày, bốn chín ngày, v.v..
trong đó vị thiền giả để hết tâm ý vào
công án. Giờ phút nào trong đời sống
hàng ngày cũng là giây phút tham cứu
: khi ngồi (thiền tọa), khi đi (thiền hành), khi thở, khi ăn,
khi chải răng, khi giặt áo, v.v.. lúc nào
tâm ý cũng tập trung vào công án,
nghĩa là vào đối tượng tham cứu. Khóa thiền
phổ thông nhất là khóa bảy ngày, gọi
là thiền thất. Thất đây có nghĩa là bảy. Mỗi
ngày, tất cả các hành giả đều được tiếp xúc
với vị thiền sư trong giờ khai thị. Vị thiền sư có thể đưa ra
những chỉ dẫn giúp cho thiền giả tập trung tâm ý
vào đúng chỗ. Khai nghĩa
là mở ra, thị có nghĩa
là chỉ cho thấy. Mở vấn đề ra, chỉ cho ta thấy rõ vấn đề
hơn. Khai thị không có nghĩa là trao truyền sự
thật. Sự thật, hành giả phải tự chứng nghiệm. Vị thiền sư
có thể nói những lời khai thị trong vòng mười
phút, rồi các thiền giả trở về chỗ ngồi của mình
để tham cứu. Có khi hàng trăm vị thiền giả cùng
ngồi tham cứu ở thiền đường, ngồi xoay mặt vào vách. Sau
một thời ngồi thiền, lại có một thời đi thiền. Các
hành giả đi chậm, mỗi bước chân đưa mình về với
công án. Đến giờ ăn, có thể được ăn ngay trên
chỗ ngồi thiền của mình, vừa ăn vừa quán chiếu. Đi đại
tiện, tiểu tiện cũng là cơ hội quán chiếu. Im lặng
hùng tráng rất cần thiết cho sự tham cứu thiền, cho
nên ở bên ngoài thiền đường luôn luôn
có bảng treo ‘chỉ tịnh’.
Ngày xưa, vua Trần Thái Tông ngộ đạo nhờ tham cứu
công án “bốn núi” và công án
“con người thật không có vị trí (vô vị
chân nhân) ”. Thiền sư Liễu Quán ở Phú
Yên ngộ đạo nhờ tham cứu công án “tất cả đi về một,
một đi về đâu? ” và đã đệ trình kiến giải
tại chùa Ấn Tôn (Từ Đàm), Huế.
Muốn thành công trong sự tham cứu công án,
phải có khả năng buông bỏ mọi kiến thức, mọi ý niệm
và mọi lập trường mình đang có. Vướng vào
một tư kiến, một lập trường hay một ý thức hệ thì
mình không còn có đủ tự do để cho công
án có thể bung ra trong tâm thức của mình.
Phải buông bỏ tất cả những cái gọi là sở tri,
nghĩa là những cái mình đã tiếp nhận trước
kia, những cái mà mình từng xem là sự thật.
Nếu mình tin là mình đang nắm trong tay sự thật
rồi thì cánh cửa của mình đã đóng
lại, và dù bây giờ sự thật có tới gõ
cửa, mình cũng không chịu mở cửa. Vì vậy cho
nên sở tri là một chướng ngại, gọi là sở
tri chướng. Đạo Phật đòi hỏi tự do. Tự do tư tưởng
là nền tảng căn bản của tiến bộ. Đó đích thực
là tinh thần khoa học. Chính trong không gian
thênh thang ấy mà đóa hoa tuệ giác có
một cơ hội nở ra.
Trong truyền thống thiền, tăng thân là một yếu tố rất
tích cực. Khi cả mấy trăm hành giả cùng yên
lặng tham cứu với nhau, thì năng lượng tập thể của niệm
(ý thức) và của định (tập trung) rất
hùng hậu. Năng lượng tập trung của mình nhờ vậy được
nuôi dưỡng trong từng giây phút và công
án có rất nhiều cơ hội để bung ra. Môi trường
này rất khác môi trường của một hội nghị, một tọa
đàm hay một buổi họp. Vì kỷ luật của thiền môn rất
nghiêm túc và vì khung cảnh của thiền
môn rất thuận lợi cho sự tập trung, thêm vào
đó có sự hướng dẫn của vị thiền sư và sự yểm trợ
yên lặng của các bạn thiền giả, nên ta có
nhiều cơ hội để thành công.
Những điều đề nghị ở phần trước có thể được xem là những
lời khai thị có công năng giúp một phần nào
cho công trình tham cứu. Phải xem đó là dụng
cụ, đừng cho đó là chân lý. Đó
là chiếc bè qua sông để tới bờ bên kia,
mà không phải là bờ bên kia. Qua tới bờ
bên kia thì phải vứt bỏ chiếc bè. Nếu quý vị
quán chiếu thành công, có tự do, thấy được
con đường rồi thì quý vị có thể đem đốt những lời
khai thị ấy, hoặc liệng nó vào sọt rác.
Xin chúc tất cả liệt vị thành công trong việc tham
cứu công án Bát Nhã.
Nhất Hạnh
Nguồn: www.langmai.org và
http:phapnanbatnha.net