Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net






BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN: HUYỆT MỘ TRIỀU ĐẠI CỘNG SẢN TỰ ĐÀO CHÔN MÌNH









Tôi vừa đi một vòng các nơi, lên Tây Bắc, về Tây Nguyên, từ đây theo đường biên giới đến Campuchia, qua tận Thái Lan rồi đáp máy bay trở lại Việt Nam. Nơi đâu cũng nghe đầy nỗi bức xúc về sự kiện bô-xít Tây nguyên của người Việt trong lẫn ngoài nước. Ở một vùng sâu vùng xa, khi nói chuyện với một người dân tộc Nùng, tôi gợi ý về cái tên bô-xít Tây Nguyên thì người ấy không biết. Nhưng khi nói đến cái vụ mà Tướng Giáp đã phản đối thì ông ấy nhanh mồm “à, thì ra cái vụ mà cái bụng Đại Tướng mình không ưng nhưng cụ Nông vẫn quyết làm theo Tàu”. Có nhiều người biết rất rõ sự việc, cũng không ít người chỉ biết loáng thoáng nhưng kỳ lạ là bất chấp mức độ hiểu biết đa số đều phản đối, bức xúc bằng những lời như “mấy ổng chừ cái chi cũng bán”, “hậu quả thì thế hệ sau lãnh chứ các vị và con cháu các vị có làm sao đâu”, “đó có khác gì là bán nước”, “lịch sử sẽ ô danh mấy tay chóp bu hiện giờ đến muôn đời”, “khi già muốn hồi hương về nước chắc cũng chẳng còn miếng đất mà chôn”, “giới trí thức lên tiếng đang bị chụp mũ và sỉ nhục”, Còn nhiều chuyện mà hôm nay không có thời gian để kể, nhưng chung quy tôi cho rằng Đảng đã đi một nước cờ sai lầm nhất: tự đào mồ chôn mình như cách nói của một người uyên bác mà tôi có dịp trao đổi.
Sự kiện bô xít Tây Nguyên giờ đây không chỉ làm phân rã lòng dân ở mọi thành phần mà còn gây chia rẽ sâu sắc giới chóp bu cầm quyền và đang tạo dần nên một thế trận quyền lực mới trong BCT. Ông Mạnh và ông Dũng đã từng đối đầu nhau quyết liệt thì giờ đây nhờ vụ này mà đang xít lại gần nhau, cùng với Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang dần hình thành nên một phe cánh thân Trung Quốc để ủng hộ các chính sách về bô-xít Tây Nguyên có lợi nhất cho Trung Quốc. Trong khi đó, ông Sang đang từ chỗ cùng hành động với ông Mạnh thì nay lại cùng với ông Triết xoay chuyển quyết sách về vấn đề này sao cho ít bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc nhất. Ông Sang và ông Triết dù vẫn phải đồng tình với chủ trương cho khai thác vì nó đã được Đại hội X ra nghị quyết nhưng đã một mực phản đối quyết liệt những gì ông Mạnh và ông Dũng dành cho Trung Quốc. Cuộc đấu này đã diễn ra rất căng thẳng trong tháng 3 và tháng 4 vừa rồi. Trong BCT chỉ có 3 người tỏ rõ quan điểm phản đối những “vấn đề Trung Quốc” trong sự kiện bô-xít Tây Nguyên là ông Triết, ông Sang và ông Trương Vĩnh Trọng; trong khi đó phía ủng hộ lại đến 5 người: ông Mạnh, ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Hồ Đức Việt và ông Tô Huy Rứa; 7 người còn lại thì không bày tỏ quan điểm rõ ràng. Đây là tình trạng hiếm thấy đối với sinh hoạt của BCT: thông thường các vấn đề được đưa ra xem xét ở BCT thường được quyết định bỏ phiếu theo phe nhóm: người ta sẽ bỏ phiếu cho những giải pháp nào thuộc phe nhóm của mình vào lúc ấy chứ không xem xét đến những yếu tố khác của giải pháp. Nhưng lần này, đối với vấn đề bô xít Tây Nguyên thì đã không diễn ra như vậy. Dù chiếm thiểu số lúc ban đầu nhưng cuối cùng những người phản đối việc tạo lợi thế cho TQ đã thành công. Cuối tháng 4, BCT do ông Sang thay mặt đã ký một thông báo về vấn đề này trong đó loại trừ việc cho phép lực lượng lao động khổng lồ của TQ trong các dự án khai thác đồng thời với việc cho phép nước ngoài sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp được khai thác ở Tây Nguyên.
Bản thông báo này cũng đề cập đến một số vấn đề khác giúp giải tỏa phần nào sức căng của dư luận, của các nhà trí thức và các vị tiền bối. Trên thực tế, ông Triết và ông Sang đã kín đáo hậu thuẫn cho các tầng lớp trong xã hội lên tiếng phản đối gay gắt vấn đề để tạo một áp lực lớn lên những người chưa bày tỏ ý kiến trong BCT. Không phải tự nhiên mà Tuổi Trẻ dám đưa một phóng sự về lao động phổ thông TQ trên các công trường Việt Nam, việc dừng loạt bài sau đó là một bước lùi chiến thuật để bảo toàn lực lượng. Tương tự như vậy, mọi người có thể thấy hàng loạt các bài về bô xít Tây Nguyên được đăng lên rồi bị gỡ xuống trên các báo điện tử. Người đọc khá bức xúc về điều này nhưng cách làm này đã đạt được hiệu quả trong tình thế vừa qua khi mà cả Chính phủ (Bộ TTTT) và Đảng (Ban Tuyên giáo TW) đứng về phe ủng hộ TQ, thông tin đã đến được công chúng và nhanh chóng loang tỏa đến hầu hết các phương tiện khác trên mạng mà các lãnh đạo các tờ báo vẫn có thể “nghiêm chỉnh chấp hành” mệnh lệnh đục bỏ của Đảng và Chính phủ. Còn nhớ, giữa tháng 2 vừa rồi, cách đưa các bài kỷ niệm cuộc chiến biên giới 1979 chống TQ cũng phải làm theo cách như vậy. Người của TQ nằm trong hàng ngũ lãnh đạo từ trung đến cao cấp, đến cả chóp bu của Việt Nam hiện nay, không ai có thể nói là bao nhiêu, nhưng hầu hết đều cảm nhận được là rất đông và sức ảnh hưởng rất lớn. Hãy xem cái cách mà Bộ Công thương phản ứng sau khi có kết luận của BCT về bô-xít Tây Nguyên thì rõ. Thứ trưởng Lê Dương Quang xuất hiện ngay trước báo chí chỉ khoảng 1 tuần sau khi BCT ra kết luận. Phát biểu của ông ta có ý qui chụp đối với ý kiến của các nhà khoa học, ngụ ý rằng đó là những lời lẽ của các thế lực thù địch. Thái độ hằn học này thể hiện sự bực tức của TQ vì đã chưa đạt được trọn vẹn ý đồ của mình trên vùng đất Tây Nguyên của Việt Nam. Sự việc đang nóng hổi mới đây – cũng chính Bộ Công thương lập ra trang web với tên miền của Chính phủ Việt Nam để cho TQ tha hồ thể hiện quan điểm của TQ về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa bằng những tên gọi và giọng điệu hoàn toàn của TQ – cho thấy TQ đã thọc sâu vào bộ máy và nhân sự của chính quyền nước ta như thế nào. Bộ Thông Tin Truyền Thông cũng cho thấy nhiều biểu hiện phục vụ đắc lực cho TQ, nhưng chúng ta sẽ nhắc đến vấn đề này vào một dịp khác, với nhiều cơ quan của Đảng và Chính phủ khác nữa.
Trở lại cuộc đấu giữa ông Triết và ông Sang với ông Mạnh và ông Dũng về vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Ngoài việc khôn ngoan sử dụng áp lực của các tầng lớp trong xã hội, ông Triết đã thành công trong việc chống “Trung Quốc hóa” nhờ có sự hậu thuẫn của các lực lượng quân đội. Ông Triết đã được anh cả Văn (tên thân mật của Tướng Giáp) ủng hộ và nhờ đó đã mau chóng kết chặt được với những vị trí quan trọng trong quân đội, từ trung ương đến các quân khu địa phương. Nhờ vậy ông Triết đã có thể thể hiện và thực hiện những quyết định quan trọng của mình khá độc lập. Nhiều người biết rằng sự liên kết giữa ông Triết và ông Dũng thời gian qua mang tính tình thế, nếu ông Triết không có cách tách khỏi (hay dựa vào) sự liên kết này thì sẽ nhanh chóng đánh mất uy tín của mình trước đa số, không chỉ trong dân chúng mà cả trong các lực lượng của nhà nước. Nhưng điều quan trọng là chính vụ bô xít Tây Nguyên đã đưa ông Triết đến một thời cơ để tạo ra lực lượng và sự ủng hộ cho mình. Người ta đang bàn đến một khả năng ông Triết và ông Sang sẽ “tái hợp” để hình thành nên một thế lực mạnh, tạo ra một thế trận mới về quyền lực trong BCT sau khi hai ông “đoàn kết” để chống “Trung Quốc hóa” vụ bô-xít Tây Nguyên. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn sẽ là một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự xoay chuyển và chia rẽ đường lối trong Đảng.
Về phần ông Mạnh và ông Dũng, với lực lượng ủng hộ hùng hậu lúc ban đầu có lẽ hai ông đều bất ngờ trước kết quả cuối cùng diễn ra bất lợi đối với mình. Lo sợ trước làn sóng phản đối ngầm và cả phản đối ra mặt trong quân đội, cả hai ông đã tổ chức đến thăm Tướng Giáp nhân dịp chiến thắng Điện Biên Phủ để hy vọng gỡ lại phần nào sự khinh xuất và xem thường ảnh hưởng của vị Tướng già, anh cả của quân đội. Ông Dũng sau khi đã phớt lờ bức thư của Tướng Giáp về bô-xít Tây Nguyên thì giờ phải xuất hiện trước truyền hình hứa hẹn sẽ tiếp thu kỹ các ý kiến của cụ. Còn ông Mạnh thì đã phải dằn lòng xuống để đi thăm Tướng Giáp dù ông ta chẳng thích thú gì. Ông ta đã rất khó chịu nói với các trợ lý của mình khi xem một phóng sự cũng phát vào dịp đó trên VTV ca ngợi “hơi quá” cá nhân và uy tín của cụ Giáp. Trong chuyến đi vừa rồi, tôi có nói chuyện với một vị tướng ở Quân khu 5, ông này bình luận về 2 chuyến thăm của ông Dũng và ông Mạnh đến nhà Tướng Giáp vừa rồi bằng 2 chữ: “lố bịch”. Tình thế này cũng đặt ông Mạnh và ông Dũng vào thế bất lợi khi làm việc với Nhật.
Việc tập trung vào mục tiêu rất ngắn hạn để chứng mình lời khẳng định kinh tế sẽ phục hồi vào tháng 5 của ông Dũng đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ làm gia tăng thâm hụt dẫn đến cạn kiệt ngân khố, trong khi đó những khoản tiền phải trả để mua vũ khí sắp đến hạn cũng chẳng hề nhỏ. Ngân sách đã và đang rất cần những khoản tiền khổng lồ. Số tiền mà TQ hứa sẽ ứng trước cho việc khai thác bô-xít đã không xảy ra vì những đòi hỏi của TQ đã chưa đạt được đầy đủ. Con số này đến hiện nay vẫn còn rất bí mật, nhưng tờ Wall Street vừa đưa ra con số rằng Việt Nam nói cần hơn 15 tỷ đô để đầu tư cho việc khai thác và mong muốn được nhận trước gần hết số tiến này. Chắc chắn rằng TQ sẽ chưa chịu chấp nhận kết quả hiện giờ và sẽ tiếp tục ra đòn. Nhưng trước mắt chính quyền đang đứng trước một tình thế ngặt nghèo về tài chính. Chuyến đi Nhật của ông Mạnh cuối tháng 4 chỉ mới thực hiện được những cam kết mang tính nguyên tắc, phải chờ cụ thể hóa sau chuyến đi Nhật sắp tới của ông Dũng. Nhật hiện nay đã nắm trong tay đặc quyền đối với nền kinh tế VN nhờ hiệp định tư do song phương ký hồi đầu năm nhưng tới hiện nay vẫn chưa hề xúc tiến đẩy mạnh đầu tư. Vốn ODA đã được nối lại cho các dự án cũ đang chạy, còn những dự án mới dù đã cam kết nhưng họ vẫn đang kéo dài lấy lý do đảm bảo các thủ tục chống tham nhũng mà Quốc hội Nhật yêu cầu phải đảm bảo. Chưa thể đoán được Nhật sẽ ra đòn thế nào trong cuộc cờ này sắp tới.

Cho dù kết quả thế nào thì cũng chẳng thay đổi được hình ảnh của đất nước. Chúng ta có thể hình dung hình ảnh của đất nước mình trước Nhật, trước Trung Quốc giờ đây chẳng khác gì Lào trước Việt Nam. Liên tục trong vòng chỉ vài tháng, hết người đứng đầu Đảng, nhà nước, Chính phủ Lào thì đến đoàn quân sự, đoàn kinh tế của Lào vào VN. Chúng ta cũng nghe những tuyên bố VN ca ngợi tình đoàn kết với Lào, ca ngợi các vị lãnh đạo của Lào nhưng chắc có lẽ cái tốt nhất mà Lào nhận được trong lòng dân chúng VN là sự thương hại. Nói như thế thật đáng buồn nhưng đó là sự thật và phải nhìn vào sự thật thì mới hy vọng có thể tìm được điều gì đó làm cho nó tốt hơn. Lòng dân đang sắp sôi lên. Cho dù đã có những điều chỉnh nhưng không vì thế mà bô-xít Tây Nguyên có thể lắng dịu. Tôi nói chuyện với nhiều người thì họ nghĩ rằng kết luận của BCT chẳng qua là “nghi binh” hoặc giả vờ để dân chúng bớt bức xúc. Ngay cả khi tôi cố tình giải thích sự điều chỉnh như vậy là tốt hơn rất nhiều và nhiều vị lãnh đạo đã phải rất vất vả để đạt được điều đó thì những người nói chuyện với tôi vẫn tỏ thái độ hoài nghi, cho rằng trước sau gì TQ cũng đạt được mục đích thôi. Càng nói họ càng phẫn nộ. Thái độ đó dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả giới bình dân ít hiểu biết sâu sắc. Một giáo sư nói với tôi rằng điều ấy thể hiện thái độ bài TQ của người Việt, nhưng cũng có vị nói rằng nó thể hiện sự mất niềm tin vào chính quyền. Cho dù thế nào thì cả 2 điều này đều sẽ dẫn đến sự phân rã sâu sắc trong xã hội và tinh thần chống đối gia tăng trong dân chúng. Chúng sẽ khoét sâu những mâu thuẫn trong xã hội đến một ngày sẽ trở thành một cái huyệt mộ khổng lồ, với tác động cộng hưởng của những yếu tố và tác động khác, sẽ dẫn đến những biến động khó lường trước được – giống như Liên Xô và các nước Đông Âu, CS bị chôn vùi trong một đêm. Những người như anh 6 Phong và anh 4 Sang nếu tiếp tục giữ quan điểm trong vấn đề bô-xít Tây Nguyên này thì tất yếu sẽ dẫn đến việc phải dựa vào dân, vào lòng dân chứ không còn có thể dựa vào Đảng được nữa.
Bài hôm nay dài quá rồi, hẹn các bạn sẽ đề cập đến những chi tiết và khía cạnh đã được đề cập chưa rõ trong những bài tiếp theo.
Sunday May 17, 2009 - 03:55am (PDT)

Nguồn: http://bauxitevn.com/index.php?option=com_content&view=article&id=119:bo-xit-tay-nguyen-huyt-m-triu-i-cng-sn-t-ao-chon-minh-&catid=35:-binh-lun&Itemid=54


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net